Ngăn chặn nạn đầu cơ, trục lợi giá gạo

Sau hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu gạo từ các quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE, và mới đây Myanmar cũng đưa ra thông tin sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong 45 ngày kể từ ngày 1/9, giá gạo Việt Nam đã tăng “nóng”.
0:00 / 0:00
0:00
Giá gạo trong nước và xuất khẩu đang tăng mạnh.
Giá gạo trong nước và xuất khẩu đang tăng mạnh.

Gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục xác lập mức giá cao nhất thế giới, gạo 5% tấm đã lên tới 643 USD/tấn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan đến ngày 15/8 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,35 triệu tấn gạo, giá trị hơn 2,88 tỷ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so cùng kỳ năm ngoái. Riêng nửa đầu tháng 8/2023, tức sau thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (ngày 20/7), tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá hơn 266 triệu USD.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng cao được xem là tin vui với ngành lúa gạo. Người nông dân rất phấn khởi khi bán lúa giá cao, bán nhanh và gia tăng lợi nhuận. Hiện, giá thu mua lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức khoảng 8.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá mơ ước của nông dân trong nhiều năm qua. Dự báo, nếu hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục duy trì bình thường, giá lúa thu đông vẫn giữ mức cao.

Trong thời gian gần đây, giá các mặt hàng gạo tại các đại lý và các sạp gạo ở chợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục điều chỉnh giá và đã xác lập mặt bằng giá mới với mức điều chỉnh tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg. Đáng chú ý, một số đại lý và tiểu thương ở chợ cho biết, do xuất hiện tình trạng thu gom lúa gạo cho nên việc đặt hàng gạo khó khăn hơn trước, số lượng cũng bị hạn chế. Riêng các siêu thị đang nỗ lực bình ổn giá gạo, giữ nguyên mức cũ, thậm chí một số siêu thị mở chương trình khuyến mãi, giảm giá nhờ chủ động dự trữ nguồn hàng.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá lúa gạo đang tăng cao hơn cả mức tăng của gạo xuất khẩu cho thấy những bất thường trên thị trường. Nguyên nhân là các thương lái và trung gian kinh doanh gạo đang “té nước theo mưa”. Lợi dụng tình hình thị trường gạo thế giới đang mất cân đối nguồn cung do một số nước ngưng xuất khẩu gạo, các thương lái tung tin hỏa mù để thao túng giá, “thổi giá” nhằm kiếm lời, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân hay các hợp tác xã để ổn định đầu ra và giá cả. Tuy nhiên, số diện tích được ký kết hợp tác chưa thể bao hết tổng diện tích canh tác. Vì thế, nhiều nông dân vẫn phụ thuộc vào thương lái sau mỗi lần thu hoạch lúa. Tình trạng thao túng giá, ép giá là câu chuyện không mới và người chịu thiệt vẫn là nông dân. Đôi lúc, chính các doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào thương lái khi ký kết được hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa chuẩn bị được hàng cho nên phải thu mua lại từ thương lái, trung gian các nhà máy xay xát và bị “làm giá”.

Đó là những bất cập khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao hơn cả mức giá xuất khẩu khiến cho một số doanh nghiệp không dám ký kết hợp đồng với các đối tác. Trong khi nông dân đang được hưởng lợi giá gạo cao, nhưng yếu tố này chưa bảo đảm bền vững, vì khi các nước dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, cung - cầu thị trường gạo sẽ ổn định trở lại và giá gạo sẽ không ở mức cao như hiện nay.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá mặt hàng gạo theo diễn biến thị trường, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường lúa gạo trên địa bàn.

Để ngăn chặn nạn đầu cơ, trục lợi giá gạo hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ trong công tác giám sát thị trường, nhất là công tác thu mua gạo tại các vựa lúa như đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bảo đảm quyền lợi cho nông dân; kiên quyết xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ, trục lợi giá gạo gây ảnh hưởng đến nông dân và người tiêu dùng; tiếp tục triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, tránh để mất cân đối cung-cầu, bảo đảm ổn định thị trường gạo trên cả nước.