Theo đó, giá trần đối với gạo xay thông thường được ấn định ở mức 41 peso Philippines (khoảng 0,72 USD)/kg, trong khi giá gạo xay kỹ có mức trần 45 peso (0,79 USD)/kg. Các mức trần bắt buộc này sẽ có hiệu lực cho đến khi được dỡ bỏ bởi Chính phủ Philippines.
Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, gạo xay xát kỹ trong nước và nhập khẩu hiện được bán ở mức từ 47 đến 56 peso ở khu vực Vùng thủ đô Manila, trong khi gạo xay thường trong nước và nhập khẩu có giá 42 đến 55 peso tính đến ngày 30/8.
Theo Văn phòng Tổng thống Philippines, mặc dù nguồn cung gạo ổn định, nhà chức trách nước này vẫn ghi nhận các “hành vi thao túng giá gạo bất hợp pháp đang lan rộng, chẳng hạn như tích trữ và câu kết làm giá trong thời kỳ khó khăn”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và giá dầu khó dự đoán đang gây áp lực lên giá cả của các mặt hàng lương thực, trong đó giá gạo đang tăng cao.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Marcos đã chỉ thị gia tăng các nỗ lực để dẹp nạn tích trữ gạo và thực hiện các bước nhằm kiềm chế lạm phát gạo, vốn đã tăng lên mức 4,2% trong tháng 7 vừa qua, là mức cao nhất kể từ năm 2019.
Philippines là một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và giá gạo bán lẻ của nước này đã đạt đỉnh vào tháng trước, với một số loại gạo tăng giá tới 25% tại một số thị trường trong và chung quanh thủ đô.
Nguồn cung gạo của Philippines trong nửa cuối năm nay ước tính sẽ đạt 10,15 triệu tấn, trong đó khoảng 7,2 triệu tấn là sản lượng dự kiến từ sản xuất nội địa.
Cùng với lượng gạo nhập khẩu và tồn kho hiện có sẽ giúp nước này kết thúc năm 2023 với lượng gạo đủ đáp ứng nhu cầu trong nước trong 64 ngày.