Thỏa ước lao động tập thể - đột phá của Công đoàn Hải Phòng

Nhằm đổi mới linh hoạt phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, các cấp công đoàn thành phố Hải Phòng đã nỗ lực ký kết thỏa ước lao động tập thể-khâu đột phá quan trọng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, bảo đảm lợi ích người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện của hơn 9.300 người lao động ký thỏa ước lao động tập thể với 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng).
Đại diện của hơn 9.300 người lao động ký thỏa ước lao động tập thể với 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng).

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân cho biết, các cấp công đoàn Hải Phòng luôn xác định vai trò quan trọng trong tham gia quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Việc tập trung xây dựng, đàm phán và ký kết thỏa ước lao động tập thể là một khâu đột phá xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, doanh nghiệp phát triển và khơi dậy tinh thần, khát vọng cống hiến của công nhân lao động thành phố Cảng. Nhiệm vụ đó không chỉ nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, mà còn là thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố, các địa phương và đơn vị cùng phát triển.

Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam là doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) với 5 nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, cũng là doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn nhất thành phố với hơn 30.000 người, trong đó lao động nữ chiếm 64%. Tại đây, Ban nữ công và tổ chức công đoàn đã thành lập các tổ tư vấn tại cơ sở. Các tổ hỗ trợ kịp thời, giải đáp thắc mắc về chế độ chính sách, nội quy lao động, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, đề xuất các nội dung của Thỏa ước lao động tập thể với 16 điều, khoản cao hơn quy định của luật, có lợi cho người lao động…

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Công ty Regina chia sẻ, thông qua tổ chức Công đoàn, công nhân lao động trong doanh nghiệp đã thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với công ty giúp đời sống, thu nhập của lao động được cải thiện đáng kể. Ngoài tiền lương theo giờ, chế độ thưởng sản lượng cá nhân, thưởng tập thể, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, công ty còn mua bảo hiểm 24/24 cho toàn thể công nhân lao động và nhiều điều khoản đặc thù hỗ trợ cho nữ công nhân như: trợ cấp nhà trọ, xăng xe, hỗ trợ con nhỏ từ 6 tuổi trở xuống, tặng quà nhân dịp 8/3, 1/6, Trung thu, con công nhân học giỏi, trợ cấp thâm niên, khen thưởng công nhân xuất sắc, sáng kiến, cải tiến… Những chế độ đó đã góp phần động viên công nhân thêm gắn bó và lao động với chất lượng, hiệu quả hơn vì lợi ích của mình và của doanh nghiệp…

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Bùi Thị Ngọc, điểm sáng trong hoạt động công đoàn là triển khai hiệu quả hoạt động của tổ chuyên gia hỗ trợ công đoàn cơ sở trong xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều cam kết có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Đến nay, toàn thành phố có 1.368 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết, trong đó có 807 bản thỏa ước đạt loại B (đạt từ 60 đến dưới 80 điểm trong thang điểm 100 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-theo hướng có lợi cho người lao động) trở lên, chiếm 59% tổng số thỏa ước, vượt 14% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra. Đặc biệt, có tới 192 doanh nghiệp tham gia 34 bản thỏa ước nhiều doanh nghiệp cùng tham gia với gần 20.000 người lao động được thụ hưởng chính sách. Trong đó, tiêu biểu là thỏa ước lao động tập thể đạt loại A (đạt từ 80 điểm trở lên) được 30 doanh nghiệp Hàn Quốc trong Khu công nghiệp Tràng Duệ ký kết và thực hiện với 24 điều khoản có lợi hơn so với Luật và hơn 9.300 người lao động được thụ hưởng.

Theo Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng Đinh Thị Thúy Hà, thỏa ước được ký kết lần thứ 3 này có số doanh nghiệp tham gia nhiều nhất và có tới 24 nội dung cao hơn mức quy định của Luật. Trong đó có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như: tiền lương tháng 13, thử việc thêm ít nhất 1 phụ cấp, thang lương 10 bậc, hỗ trợ làm thứ bảy ít nhất 200% lương cơ bản; thâm niên 50 nghìn đồng/tháng hoặc 2-10 triệu đồng/lượt, chuyên cần 100 nghìn đồng/tháng; bảo đảm thời giờ làm việc trong tháng ít nhất có 1 tuần làm việc 40 giờ; nghỉ ngắn giữa ca 10 phút, nghỉ hè từ 1 đến 3 ngày…; các điều khoản về phúc lợi như ăn ca là 22.000 đồng, đi lại 400.000 đồng, Tết Trung thu 100.000 đồng, ngày 8/3 hoặc 20/10: 50.000 đồng… Các chế độ khác cũng được quy định cụ thể như: kết hôn, phúng viếng, hỗ trợ cán bộ công đoàn…

Để có bản thỏa ước lao động tập thể được đánh giá là tiến bộ và hiệu quả này, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp từ cơ sở đến doanh nghiệp, Khu Kinh tế và các ban của Liên đoàn Lao động thành phố đã cùng vào cuộc. Từ việc tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ các tổ thương lượng, đến khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, lấy ý kiến người lao động, bổ sung yêu cầu, lấy ý kiến của các chuyên gia, đánh giá khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp...

Cùng với đó là hàng chục cuộc làm việc thảo luận, thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại Hải Phòng để thống nhất quy trình, nội dung, cũng như ý kiến của người lao động về các nội dung điều chỉnh bảo đảm hài hòa lợi ích… Với mục tiêu không ngừng cải thiện và nâng cao quyền lợi của người lao động, hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp, tiến trình thương lượng đạt kết quả với thỏa ước lao động tập thể được doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 2022-2025 cùng tham gia ký kết...

Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, thỏa ước lao động nhiều doanh nghiệp cùng tham gia là cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động cam kết thực hiện, nhằm kịp thời hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không đáng có xảy ra. Thỏa ước tập thể cũng tạo mặt sàn ưu đãi chung, góp phần hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, góp phần ổn định chính sách của doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định.