Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi bạt lót ao đã qua sử dụng tại Sóc Trăng

NDO - Ngày 29/10, tại thành phố Sóc Trăng đã diễn ra sự kiện khởi động dự án "Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi vật liệu lót ao đã qua sử dụng bền vững, hiệu quả và có thể mở rộng quy mô tại tỉnh Sóc Trăng".
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sự khởi động của dự án.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sự khởi động của dự án.

Đây là dự án ​​mang tính đột phá nhằm giải quyết thách thức ngày càng gia tăng về môi trường do rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng.

Dự án do Evergreen Social Ventures (ESV) thực hiện và được Dow Việt Nam tài trợ thông qua Charities Aid Foundation America (CAFA), hướng tới mục tiêu xây dựng kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm đáng kể rác thải nhựa từ ngành nuôi tôm đang phát triển nhanh chóng tại tỉnh Sóc Trăng.

Sáng kiến này đánh dấu khởi đầu hợp tác giữa ESV, Dow Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng nhằm giải quyết một thách thức môi trường cấp bách thông qua các giải pháp sáng tạo và hợp tác liên ngành.

Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi bạt lót ao đã qua sử dụng tại Sóc Trăng ảnh 1

Đại diện ESV, Dow và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chính thức bắt tay khởi động dự án.

Tiến sĩ Kasia Weina, Giám đốc Công ty TNHH Evergreen Social Ventures cho rằng, dự án này đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới việc nuôi trồng thủy sản bền vững tại Sóc Trăng.

"Bằng cách thiết lập một hệ thống hiệu quả để thu gom và tái chế bạt lót ao đã qua sử dụng, chúng tôi không chỉ giải quyết một vấn đề môi trường cấp bách mà còn xây dựng kinh tế tuần hoàn trong khu vực", bà nói.

Ông Loganathan Ravisanker, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam, nhấn mạnh: “Là công ty hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu, chúng tôi rất vui mừng hợp tác với nhiều bên liên quan khác nhau để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Tại Dow, phát triển bền vững là sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi, với cam kết chuyển đổi 3 triệu tấn rác thải nhựa và nguyên liệu thay thế thành các giải pháp tuần hoàn và tái tạo vào năm 2030".

Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi bạt lót ao đã qua sử dụng tại Sóc Trăng ảnh 2

Dự án thu gom và chuyển đổi vật liệu lót ao đã qua sử dụng có thể mở rộng quy mô tại tỉnh Sóc Trăng.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Đây là một dự án mang tính sáng tạo được tài trợ bởi Dow Việt Nam, giải quyết được vấn đề bạt nhựa thải ra sau vụ tôm góp phần giúp cho người nuôi có thể tiết kiệm, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao được ý thức của người nuôi góp phần vào công tác bảo vệ môi trường và xa hơn nữa là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn".

Bà Quách Thị Thanh Bình bày tỏ mong muốn đồng hành triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cùng Công ty TNHH Evergreen Social Ventures và nhấn mạnh cam kết của chính quyền tỉnh trong việc đảm bảo tính bền vững lâu dài cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản địa phương.

Triển khai từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025, dự án "Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi vật liệu lót ao đã qua sử dụng bền vững, hiệu quả và có thể mở rộng quy mô tại tỉnh Sóc Trăng" dự kiến tập trung vào các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu tại tỉnh Sóc Trăng.

Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi bạt lót ao đã qua sử dụng tại Sóc Trăng ảnh 3

Rác thải nhựa từ việc nuôi trồng thủy sản được thu gom tại Sóc Trăng.

Dự án đưa ra một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm khuyến khích sự tham gia của nhiều bên, nâng cao sự phát triển cơ sở hạ tầng và quy trình tái chế sáng tạo.

Dự án sẽ giải quyết vấn đề rác thải nhựa từ việc nuôi trồng thủy sản, bắt đầu từ việc thiết lập các điểm thu gom chiến lược và điểm lưu trữ bạt lót ao tại các địa điểm mục tiêu. Đồng thời, dự án sẽ phát triển và triển khai các hệ thống thu gom và vận chuyển hiệu quả để đảm bảo hệ thống rác thải nhựa diễn ra suôn sẻ.

Một điểm nổi bật quan trọng của dự án này là ứng dụng, phát triển các công nghệ tái chế sáng tạo nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi từ các tấm bạt lót ao đã qua sử dụng.

Ngoài ra, dự án còn cung cấp đào tạo và hướng dẫn rộng rãi cho các bên liên quan địa phương, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì hệ thống.

Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện khả năng tiếp cận việc tái chế nhựa trong cộng đồng, thúc đẩy văn hóa trách nhiệm môi trường và các phương pháp bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản và cộng đồng của Sóc Trăng.

Thiết lập hệ thống thu gom và chuyển đổi bạt lót ao đã qua sử dụng tại Sóc Trăng ảnh 4

Dự án góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa từ việc nuôi trồng thủy sản.

Dự án này không chỉ phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững của Việt Nam mà còn là một ví dụ điển hình về sức mạnh của các quan hệ đối tác công-tư trong việc giải quyết các thách thức môi trường cấp bách.

Dự án tiêu biểu cho các sáng kiến giải quyết vấn đề môi trường trong tương lai tại Việt Nam và xa hơn nữa, cho thấy rằng các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề phức tạp là khả thi khi các bên liên quan cùng hướng tới mục tiêu chung về phát triển bền vững và trách nhiệm bảo vệ môi trường.