Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kết luận 08-KL/TU về chủ trương triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Sau gần hai năm triển khai, Cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai, nhân rộng, giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh A Ngực ở làng Đắk Rơ Gia, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô đã chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng mắc-ca và dứa đem lại thu nhập cao.
Gia đình anh A Ngực ở làng Đắk Rơ Gia, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô đã chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng mắc-ca và dứa đem lại thu nhập cao.

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực bắc Tây Nguyên, Kon Tum có diện tích tự nhiên hơn 9,6 nghìn km2, với dân số hơn 540.000 người, bao gồm 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,6% số dân. Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Có 9.346 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 36,27%) thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 8.660 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 33,55%) biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; 3.948 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo (đạt tỷ lệ 16,25%) có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Anh A Blút, Trưởng thôn Đắk Kang Peng, xã Diên Bình, huyện Đắk Tô chia sẻ: "Làng Đắk Kang Peng có 99% là người đồng bào dân tộc Ba Na, trước kia chỉ biết canh tác lạc hậu, lối sống và suy nghĩ hạn chế. Sau khi thực hiện và làm theo cuộc vận động, nhiều hộ dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên trong sản xuất bằng chính nội lực của mình; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan".

Để có được kết quả như hôm nay là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên đề về cuộc vận động tại các huyện, thành phố trên địa bàn. Nội dung tập huấn được hướng dẫn cụ thể tại Sổ tay tuyên truyền thực hiện cuộc vận động và dịch ra năm ngôn ngữ (Kinh, Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng và Gia Rai), cấp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum đã xây dựng hai mô hình điểm tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei với nội dung vừa tổ chức tập huấn, vừa tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng thời, tổ chức khảo sát lựa chọn 31 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số để huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ chăn nuôi lợn. Từ nguồn kinh phí huy động được gần 1,7 tỷ đồng đã xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện được 28 căn nhà; hỗ trợ ba hộ phát triển chăn nuôi.

Được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn thực hiện trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trước đây. Gia đình anh A Nghìn (làng Đắk Mông, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô) có 3ha rẫy trồng sắn nằm lưng chừng đèo Văn Rơi, nối huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông. Trước đây, mỗi héc-ta sắn, anh thu về 55 triệu/mùa vụ 2 năm nếu được mùa, khi mất mùa thì coi như trắng tay. Khi được dự các buổi tập huấn hướng dẫn cách trồng trọt mới và được cấp giống sâm dây và gừng, anh Nghìn mạnh dạn phá bỏ 1ha sắn để chuyển sang trồng dược liệu. Mới trồng từ tháng 4/2022 đến nay, các cây dược liệu phát triển nhanh bắt đầu ra củ. A Nghìn cho biết: "Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ, không phun thuốc cỏ, thuốc trừ sâu cho nên phải làm cỏ bằng tay, tuy mệt, vất vả hơn trồng sắn nhưng lại yên tâm vì đã có đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định". Cũng như anh A Nghìn, anh A Ngực ở làng Đắk Rơ Gia, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô, đã phá bỏ gần 1ha rẫy trồng sắn để chuyển sang trồng mắc ca và dứa. A Ngực chia sẻ, được chính quyền hỗ trợ 70% nên anh đã mạnh dạn đầu tư thêm 30% nữa để mua giống mắc-ca và dứa, dùng bạt ni-lông để phủ lên gần 1ha rẫy, nhằm giữ ẩm và tránh cỏ. Sau khi thấy cây phát triển tốt, anh đã hướng dẫn kỹ thuật, vận động thêm nhiều người dân trong làng làm theo. Đến nay, trong làng đã có nhiều hộ dân làm theo anh trồng mắc-ca xen lẫn dứa, đậu xanh, đậu đỏ…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Đắk Tô Bùi Tiến Lý nhận định: Thời gian tới, các cấp ủy trên địa bàn huyện Đắk Tô tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai cuộc vận động, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, gắn với phương châm thường xuyên, kiên trì, từng bước, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người có uy tín thực hiện trước để các hộ dân khác noi theo.