Thanh toán không tiền mặt góp phần thúc đẩy chuyển đổi số

NDO - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ các khu chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ đến bộ phận “một cửa” tại các cơ quan hành chính đều đang khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển tiền qua mã QR. Sự phủ sóng của các ứng dụng thanh toán đang là bước đi tất yếu góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số của Thủ đô.
Mã QR giúp việc thanh toán của người dân trở nên thuận lợi hơn.
Mã QR giúp việc thanh toán của người dân trở nên thuận lợi hơn.

Triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt

Từ năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã phát động thanh toán không tiền mặt trên khắp địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong những sự kiện quan trọng hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2023 của thành phố Hà Nội.

Đây cũng là hoạt động mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, hiện nay, khi thực hiện các giao dịch trên các tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, dù mức chi phí dưới 10.000 đồng, người dân vẫn có thể thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR. Người dân Thủ đô khi dạo ở phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, trung tâm thương mại và chợ truyền thống… đều không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, chỉ cần mang thẻ ATM hoặc điện thoại có cài đặt app chuyển tiền online là được.

Cũng theo ông Long, trong bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, hình thức thanh toán không tiền mặt cũng là điểm nhấn tạo thêm sức hấp dẫn cho khách du lịch ghé thăm các điểm di tích, lịch sử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Mua sắm vốn là một phần không thể thiếu khi đi du lịch, nhất là khi sức mua đang tăng dần, du khách thích tìm kiếm những món quà lưu niệm độc đáo ở phố cổ. Việc kết hợp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt mang đến trải nghiệm du lịch thuận lợi, an ninh và hiệu quả cho khách du lịch, góp phần tạo nên sức sống cho ngành du lịch Thủ đô.

Sang đến năm 2024, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chính thức lan rộng, không chỉ áp dụng trong các trung tâm thương mại, siêu thị, phố trung tâm Hà Nội mà đã phổ biến ở rất nhiều khu chợ dân sinh, ở nhiều khu dân cư quanh Hà Đông, Long Biên, Hoài Đức...

Đến chợ Thượng Thanh (quận Long Biên) những ngày này, người dân đã không còn xa lạ với những mã số QR ghi tài khoản thanh toán của chủ cửa hàng.

Người dân quanh vùng mua mớ rau, bìa đậu... hoàn toàn có thể trả tiền bằng cách chuyển khoản qua mã QR thông qua chiếc đoạn thoại thông minh. “Chúng tôi đang dần quen với hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR chuyển khoản. Việc này mang lại nhiều lợi ích mà bấy lâu người cao tuổi như tôi khó tiếp cận”, bà Nguyễn Thơm, một tiểu thương khẳng định. Giờ đây, bà Thơm không nơm nớp lo nguy cơ tiền giả, không cần kiểm đếm, cũng không còn phải “đau đầu” chuẩn bị tiền lẻ trả lại cho khách. Việc nhận tiền vào tài khoản cũng giúp bà trả tiền hàng dễ dàng cho các mối giao.

Công nghệ đi vào bộ phận “một cửa”

Từ tháng 6/2024, thành phố Hà Nội chính thức triển khai hình thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa”, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.

Chị Hoàng Bích Hồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, tháng 8 vừa qua, chị làm giấy khai sinh cho cháu nội rất nhanh chóng và đơn giản, thủ tục hoàn toàn qua mạng internet, chi phí thanh toán cũng gửi thẳng theo mã QR đặt ngay ở bàn nhận hồ sơ nên vô cùng tiện lợi.

Việc áp dụng hình thức thanh toán không tiền mặt không chỉ được rất nhiều người dân Thủ đô đồng tình, hưởng ứng mà ngay cả cán bộ văn phòng “một cửa” cũng làm việc nhẹ nhàng hơn.

Thanh toán không tiền mặt góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ảnh 1

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm triển khai hình thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt tại bộ phận "một cửa".

Ông Đinh Quang Thành, công chức văn phòng-thống kê phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, triển khai Công văn số 1426 của UBND thành phố Hà Nội, cán bộ không còn phải thực hiện thao tác thu tiền, kiểm tiền, đi đổi tiền để trả lại tiền thừa cho công dân... Điều này giúp mọi người tiết kiệm được thời gian cho các công việc khác, yêu cầu của người dân được giải quyết nhanh chóng hơn.

Cũng từ tháng 6/2024, các Sở, ban, ngành trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận “một cửa”. Tiêu biểu, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã yêu cầu bộ phận “một cửa” của các đơn vị y tế trực thuộc Sở triển khai có hiệu quả các giải pháp thanh toán lệ phí không dùng tiền mặt. Sở nêu rõ, yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ tại bộ phận “một cửa” hỗ trợ trường hợp người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thiết bị để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện hình thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, nhanh chóng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đã và đang có những bước phát triển nhanh chóng về hạ tầng công nghệ, ngày càng gia tăng về lượng người dùng. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, đi cùng những tiện ích và sự phát triển này là những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân đang rất phổ biến, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Theo các chuyên gia, một mặt các ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ phải cung cấp cho thị trường những sản phẩm ứng dụng có tính bảo mật, an toàn cao; mặt khác, công dân Thủ đô phải tự nâng cao kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản của mình để không “sập bẫy” lừa đảo công nghệ cao.