Nuôi gà, trồng nấm bằng công nghệ IoT
Sau nhiều năm nuôi gà theo phương pháp truyền thống vườn-ao-chuồng, từ năm 2015, ông Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội), quyết tâm đầu tư mô hình chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Toàn bộ quy trình sản xuất của trang trại đều áp dụng thiết bị IoT, tự động hóa trong các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn, nước uống tại chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp... qua phần mềm kết nối mạng internet trên điện thoại thông minh.
“Chăn nuôi gà số lượng lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Tôi đã áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp qua phần mềm kết nối mạng internet trên điện thoại thông minh (smartphone)”, ông Ngọc chia sẻ.
Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, ông Ngọc có thể giám sát đàn gà mọi lúc, mọi nơi và chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm… cho khu vực trang trại. Việc ứng dụng công nghệ cao giúp ông Ngọc giảm được nhiều khoản chi phí đầu vào hay chi phí nhân công, từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Hơn thế, công nghệ còn giúp ông kịp thời phát hiện những bất thường về dịch bệnh trên đàn gà để nhanh chóng có biện pháp xử lý. Đến nay, trang trại của ông Hoàng Minh Ngọc hoạt động hiệu quả, với xưởng ấp rộng 2.000m2 cùng khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng 15.000m2 có 35.000 gà bố mẹ kết hợp cùng bảy trang trại nuôi gia công vệ tinh có 20.000 gà bố mẹ nên doanh thu trang trại đạt 9 tỷ đồng mỗi tháng.
Còn tại Hưng Yên, nhận thấy hiệu quả vượt trội của việc ứng dụng công nghệ cảm biến từ xa vào trồng trọt, nhiều hợp tác xã đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Hợp tác xã nấm Nam Hàn tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi là một trong những thí dụ điển hình.
Từ năm 2017, hợp tác xã đầu tư vào hệ thống trang trại khép kín với diện tích lên đến gần 10.000m2, công nghệ IoT và tự động hóa được áp dụng ở phần lớn các khâu sản xuất. Các thiết bị chiếu sáng hiện đại, hệ thống tưới nước tự động, cũng như hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm giúp hợp tác xã duy trì quy trình sản xuất nấm ổn định theo thời gian.
Ông Phạm Văn Khá, Giám đốc Hợp tác xã Nam Hàn chia sẻ: Nhờ những tiến bộ công nghệ, hợp tác xã Nam Hàn đã thành công trong việc duy trì sản lượng đều đặn từ 3-5 tấn nấm mỗi tháng, với các sản phẩm chủ lực như nấm rơm, nấm sò yến, nấm sò nâu và nấm sò trắng. Các sản phẩm này không chỉ đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn được thị trường đón nhận rộng rãi, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thực tế, những mô hình “trang trại tự động”, “điều khiển từ xa” ngày càng được nông dân các vùng Đồng bằng sông Hồng đẩy mạnh ứng dụng. Với sự trợ giúp từ công nghệ IoT, bài toán nông nghiệp giờ đây đã vơi bớt đi vô vàn thách thức. Trong khi đó, khi năng suất được nâng cao, chi phí sản xuất giảm, người nông dân cũng thu được lợi nhuận vượt trội. Không chỉ góp phần gia tăng giá trị lao động hay giá trị nông sản, việc ứng dụng các công nghệ mới còn hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của các địa phương chuyên nghiệp và hiện đại hơn.
Chiến lược phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, để ứng dụng IoT trong giám sát, theo dõi, quản lý và vận hành nông nghiệp, các hộ dân cần có khoản đầu tư ban đầu cao vào cảm biến, đội ngũ nhân viên giám sát, hay nguồn điện (giúp vận hành và kết nối thiết bị với internet). Chính vì vậy, các mô hình nông nghiệp thông minh chưa thật sự phổ biến.
Đánh giá năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, ứng dụng công nghệ với ngành nông nghiệp tại Việt Nam chưa đồng bộ, quy mô đồng ruộng manh mún; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ThS. Trần Xuân Hòa - Cao đẳng Sư phạm Trung ương, việc tập trung phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo nền tảng quan trọng đưa nền nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng lên một tầm cao mới, tạo động lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chọn và tạo giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh ấy, nông nghiệp thông minh nổi lên như một xu hướng quan trọng, đặc biệt khi kết hợp với IoT. Việc áp dụng công nghệ này đã mở ra một loạt các cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách chúng ta quản lý và sản xuất nông sản.
Những mục tiêu trên, đòi hỏi ngành nông nghiệp các tỉnh xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp cho các sản phẩm chủ lực. Xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín từ đồng ruộng đến thị trường dựa trên công nghệ tiếp thị và công nghệ sản xuất cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng cần chủ động, tích cực huy động nguồn lực, khuyến khích hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ban hành các chính sách, cải cách nền hành chính tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cuối cùng, chúng ta phải chú trọng quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, trang bị kiến thức quản lý và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đối với khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, nếu có quyết sách đầu tư mang tầm quốc gia hoàn toàn có thể biến nơi đây trở thành “Hà Lan của châu Á” - ThS. Trần Xuân Hòa - Cao đẳng Sư phạm Trung ương