Hiệu quả thiết thực từ đánh giá năng lực cạnh tranh DDCI

5 năm qua, thành phố Hải Phòng liên tục tổ chức đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Bộ chỉ số DDCI đã trở thành một công cụ quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố Cảng phát triển mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng đứng thứ nhất về năng lực cạnh tranh (DDCI) khối các địa phương thành phố Hải Phòng.
Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng đứng thứ nhất về năng lực cạnh tranh (DDCI) khối các địa phương thành phố Hải Phòng.

Năm 2024, với mức tăng trưởng kinh tế 11,01%, thành phố Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước, dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và ghi dấu mốc 10 năm liên tục đạt tăng trưởng kinh tế hai con số. Cùng với đó, thành phố huy động tổng nguồn vốn đạt hơn 361.500 tỷ đồng, tăng 9,65% so với năm 2023; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 4,9 tỷ USD…

Góp chung vào thành tích ấn tượng đó có sự cố gắng của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Một công cụ quan trọng để Hải Phòng đánh giá và đốc thúc nỗ lực cải cách hành chính là việc liên tục triển khai đánh giá chỉ số DDCI.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường kinh doanh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Là một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước, Hải Phòng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trong nhiều năm gần đây, Hải Phòng luôn trong nhóm ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Để công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Hải Phòng luôn đứng thứ hạng cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này bằng những việc làm cụ thể và được đánh giá, xếp hạng hằng năm…

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng cho biết, trong 5 năm qua, Hải Phòng liên tục tổ chức đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương thông qua đơn vị tư vấn độc lập. Việc đánh giá dựa trên các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân về chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương. Kết quả đánh giá, xếp hạng tạo động lực thúc đẩy công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Trong năm vừa qua, với chủ đề "Hải Phòng - Tăng tốc và bứt phá", việc triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương tiếp tục thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ và sự quyết tâm của thành phố nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Nội dung đánh giá DDCI được bổ sung qua từng năm phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển của thành phố trong từng giai đoạn cụ thể.

Năm 2024, việc đánh giá DDCI của Hải Phòng có nhiều điểm mới như: Mở rộng phạm vi khảo sát, điều tra; tăng việc thu thập dữ liệu về đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh; cải tiến và hoàn thiện chỉ số thành phần trong đánh giá; bổ sung nội dung về xử lý, đối phó với các tình huống bất thường (ảnh hưởng của cơn bão Yagi) và tách vai trò thực hiện giám sát quá trình khảo sát DDCI…

Tại bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng năm 2024, Cục Thuế thành phố Hải Phòng (nay là Chi cục Thuế khu vực 3) đứng vị trí thứ nhất với 78,35 điểm; Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) xếp thứ hai với 77,99 điểm; tiếp đó là các sở: Tài chính, Văn hóa và Thể thao (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Công an thành phố…

Đối với cấp địa phương, kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh: Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng xếp thứ nhất với 90,01 điểm; quận Ngô Quyền xếp thứ hai với 89,44 điểm; tiếp đó là các địa phương: Huyện Thủy Nguyên (nay là thành phố Thủy Nguyên), quận Hải An và huyện Tiên Lãng...

Kết quả này dựa trên đánh giá, xếp hạng cơ sở dữ liệu từ khảo sát, điều tra 2.507 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (70,4% khảo sát trực tuyến, 29,6% khảo sát trực tiếp) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, trong đó, có 851 phiếu DDCI địa phương, 1.656 phiếu DDCI sở, ban, ngành…

Các doanh nghiệp khảo sát đa dạng (Nhà nước, tư nhân trong nước, có vốn đầu tư nước ngoài...) và thuộc đầy đủ các lĩnh vực ngành nghề (thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, nông, lâm nghiệp, thủy sản…).

Lãnh đạo ngành Thuế Hải Phòng (nay là Chi cục Thuế khu vực 3) cho biết, với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, ngành thuế thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính gồm, 147 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 88 dịch vụ công cung cấp thông tin với 120 dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Ngành thuế thành phố chú trọng áp dụng công nghệ số trong kê khai thuế, hoàn thuế trực tuyến và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hóa đơn điện tử…

Bằng những việc làm thiết thực, ngành thuế đã rút gọn thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giải quyết công việc hiệu quả; tạo cơ sở dữ liệu nộp thuế tiện lợi, liên thông; hoàn thiện hệ thống kê khai thuế; giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp trong một ngày…

Qua đó, ngành thuế thành phố không chỉ thực hiện thu ngân sách vượt 33,2% dự toán pháp lệnh trong năm 2024 và tăng 72,17% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm 2025, mà còn được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn ghi nhận và đánh giá cao…

Từ hiệu quả tích cực của việc đánh giá chỉ số DDCI thời gian qua, thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác này trong năm 2025 và các năm tiếp theo trên cơ sở bộ máy các cơ quan hành chính sắp xếp lại theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5% trở lên.

Thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương nhằm tránh chồng chéo trong thực thi chính sách và thủ tục hành chính; triển khai cơ chế đánh giá định kỳ về hiệu quả phối hợp, để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cơ quan hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả trong xử lý thủ tục hành chính trực tuyến; chú trọng các biện pháp hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế phản hồi và giám sát minh bạch…