Thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày càng nâng cao

NDO - Cuối năm 2022, trên thị trường có hơn 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, toàn thị trường có 120 triệu ví. Trong số này, có 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động, số tiền ở các ví trên 3.300 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 28/7, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (CESTI) tổ chức hội thảo “Thanh toán thông minh hỗ trợ phát triển dịch vụ và dịch vụ công”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ nhấn mạnh, thanh toán thông minh đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Tại Việt Nam, thanh toán thông minh được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực dịch vụ, thông qua một số phương tiện như: thẻ thanh toán, mã QR, thanh toán di động, ví điện tử trực tuyến…

Thanh toán thông minh góp phần giảm tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông, tạo điều kiện tập trung nguồn vốn lớn của xã hội vào tín dụng để tái đầu tư cho nền kinh tế.

Theo Tiến sĩ Võ Đình Tùng, giảng viên Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện điện tử C&T, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của toàn cầu và Việt Nam đã và đang bắt đầu xu thế này.

Nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40% một năm (theo e-Conomy Southeast Asia 2019). Dự báo, kinh tế số của Việt Nam vượt 43 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện, các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tỷ trọng dùng tiền mặt trong nền kinh tế ngày càng giảm dần.

Thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày càng nâng cao ảnh 1

Tiến sĩ Võ Đình Tùng, giảng viên Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến tình hình thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đến cuối năm 2022, trên thị trường có hơn 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, toàn thị trường có 120 triệu ví.

Trong đó, có 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động, số tiền ở các ví trên 3.300 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch đến cuối năm 2022 khoảng gần 1 triệu tỷ đồng.

Cơ chế chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt đang được rất chú trọng và hoàn thiện. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, được chú trọng đầu tư.

Tỷ lệ người dùng tiếp cận Internet và sử dụng điện thoại di động trên phạm vi cả nước tăng ấn tượng; có sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành kinh doanh trên nền tảng công nghệ, cũng như sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ.

Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam cũng gặp các khó khăn. Trong đó, phải kể đến hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng cho thanh toán chưa được đồng bộ; thói quen của người dân, mạng lưới thương mại, dịch vụ, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được phát triển…