Cuộc đua của ví điện tử

Nhìn vào “cuộc đua” ví điện tử (VĐT) hiện nay, trừ sự nổi trội của Momo, các vị trí thứ hai, thứ ba… nhìn chung đều chưa rõ ràng. Như vậy trong ngắn và trung hạn, các nhà phát triển VĐT sẽ tiếp tục cuộc đua cho đến khi định hình được tốp 2, tốp 3… để xác lập cục diện của ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà phát triển ví điện tử sẽ luôn đưa ra chiến lược để gắn kết với khách hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các nhà phát triển ví điện tử sẽ luôn đưa ra chiến lược để gắn kết với khách hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phân mảng và cạnh tranh

Sự phát triển của VĐT liên quan mật thiết đến sự phát triển của thanh toán vi mô, mà đây lại là một mảng cực kỳ rộng lớn. Sự phát triển và chiếm lĩnh của Momo ban đầu liên quan đến mảng thẻ cào và thanh toán trả góp rồi tiến đến các mảng thanh toán khác như điện, nước, internet, truyền hình cáp… Tuy nhiên, càng về sau, cuộc đua lại càng xuất hiện nhiều cái tên và tất nhiên sẽ chật chội hơn nhiều. Thí dụ, tại sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki, hiện nay tích hợp thanh toán có đến bốn loại ví điện tử bao gồm MoMo, ZaloPay, VNPAY và Moca; hoặc trên website của Thế giới di động cũng có MoMo, VNPAY, Moca và ShopeePay.

Cho dù MoMo có dẫn đầu thì chỉ cần những cái tên còn lại tung ra các chương trình khuyến mãi như sử dụng sẽ được hưởng khuyến mãi, giảm giá… chắc chắn khách hàng sẽ phải cân nhắc. Và nếu “ví” này khuyến mãi, “ví” khác cũng sẽ không thể ngồi yên và cuộc đua chắc chắn sẽ khốc liệt. Bối cảnh hiện nay là mỗi người dùng có thể cài trên máy rất nhiều VĐT và chờ đợi cứ ví nào khuyến mãi nhiều, chiết khấu hấp dẫn là sử dụng, vậy thì các VĐT sẽ phải tìm những chiến lược để gắn kết với khách hàng.

Liên kết lớn

ShopeePay được sử dụng để thanh toán phổ biến nhất tại các ứng dụng trong hệ thống TMĐT Shopee và ứng dụng (app) đặt đồ ăn ShopeeFood (trước đây là Now), Moca gắn với app đặt xe trực tuyến lớn nhất là Grab, còn ZaloPay gắn với hệ sinh thái của VNG (trong đó có cả Tiki)… Như vậy, các VĐT sẽ phải có cho mình một “mảnh đất” đủ lớn, đủ màu mỡ, tức là có cơ số khách hàng đủ lớn và buộc các khách hàng này phải sử dụng VĐT của mình để tồn tại. Thí dụ, Shopee tích hợp nhiều cách thức thanh toán, nhưng sử dụng ShopeePay là thuận tiện nhất, được hưởng nhiều khuyến mãi, tiện ích như giảm giá, freeship.

Xuất phát điểm của MoMo không giống các VĐT trên nên không có hệ sinh thái sẵn, nhưng ông lớn này cũng không chịu ngồi yên khi tạo ra những sản phẩm đặc thù. Chẳng hạn, hiện nay mua vé xem phim của CGV, hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất hiện nay, khách hàng ngoài mua từ app CGV, có thể mua từ MoMo với các chức năng chọn phim, chọn ghế ngồi tiện lợi tương tự nhau và có không ít các khuyến mãi. Hoặc MoMo cũng là nơi phân phối các chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi VĐT sẽ phải gắn mình với những hệ sinh thái đủ lớn và câu chuyện sẽ không chỉ dừng ở thanh toán vi mô. Chẳng hạn, ViettelPay lại chọn hướng đi là triển khai thanh toán học phí cho các trường học, tất nhiên số lượng người sử dụng cũng sẽ rất lớn.

Cuộc đua của ví điện tử ảnh 1

Thanh toán điện tử đang được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: BẮC SƠN

Chờ đợi những bất ngờ

Cuộc đua về phân chia thị phần thường sẽ ngã ngũ khi tốp 3 chiếm khoảng 80% thị phần. Như đã nói ban đầu, hiện nay tốp 2 hay tốp 3 trong cuộc đua VĐT là chưa rõ ràng và cuộc đua vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, chiến lược giảm giá, khuyến mãi sẽ không thể sử dụng liên tục, nhất là trong bối cảnh phải siết chi phí như hiện nay. VĐT muốn tồn tại cũng sẽ cần thêm những nguồn lực, động lực để phát triển trong dài hạn. VĐT vốn nằm trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), mà đã có yếu tố công nghệ thì mua bán, sáp nhập (M&A) là một trong những công cụ phổ biến để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa ghi nhận một thương vụ M&A đáng kể nào trên thị trường VĐT, nhưng trong tương lai có hay không vẫn là ẩn số. Chẳng hạn, nếu xảy ra thương vụ M&A trong lĩnh vực TMĐT thì rõ ràng VĐT nào gắn với các sàn TMĐT này nhiều khả năng có lợi vì quy mô phục vụ sẽ tăng lên, đồng thời có thêm được một tệp khách hàng mới. Trở lại với khả năng M&A trong ngành VĐT, khả năng giữa các đơn vị trong ngành sẽ rất khó xảy ra, vì mỗi nơi đều được thiết lập với bản sắc riêng, việc nối kết là không dễ dàng. M&A sẽ diễn ra theo hướng thay đổi, hoặc có thêm chủ sở hữu, cổ đông tại một VĐT nào đó. Chẳng hạn, một định chế tài chính, muốn mở rộng hệ sinh thái sản phẩm của mình có thể tiến hành mua lại VĐT, thay tên, đổi giao diện rồi tích hợp vào hệ thống của mình.

Tất nhiên, nếu có những đơn vị lớn mạnh, cũng sẽ có những đơn vị dần dần bị thanh lọc trên thị trường. Nhìn lại trong vài năm qua, cũng có những tổ chức lớn công bố chiến lược thực hiện VĐT, hay một công cụ thanh toán tương tự, nhưng kết quả không như kỳ vọng khi tệp khách hàng không đủ lớn để có thể phát triển. Ở đây cần nhấn mạnh một yếu tố, những VĐT chết yểu vốn dĩ có rất nhiều lợi thế khi sinh ra, nhưng để có thể khai thác được lợi thế lại là câu chuyện khác. Thử lấy thí dụ như tính năng “chia tiền” khi thanh toán trên ví MoMo, để có thể làm ra tính năng này, chắc chắn phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi của khách hàng rồi mới có thể triển khai. Mà để tìm tòi ra những điểm “độc, lạ” cho sản phẩm, không chỉ có tiền, cần có thời gian để thử nghiệm và cả chấp nhận những thất bại, rồi mới tối ưu hóa được sản phẩm.