Hiện nay, để giảm rủi ro lây nhiễm dịch, thay vì giao dịch bằng tiền mặt, các kênh giao dịch và thanh toán trực tuyến trở nên tiện lợi, an toàn và phù hợp với đông đảo người dùng. Nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng dịch vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù các chương trình giảm phí sẽ tác động không nhỏ đến doanh thu của NAPAS và các ngân hàng, nhưng các đơn vị vẫn cam kết sát cánh, đồng hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa lây lan, ứng phó trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến, tiết giảm chi phí hoạt động. Ðược biết chỉ sau hai lần thực hiện giảm phí trong năm 2020, đã có hơn 63% số giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của hầu hết các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong cả hai lần giảm phí này là khoảng 560 tỷ đồng.
Ngay với các ngân hàng thương mại, họ cũng coi đây như một cơ hội đẩy mạnh các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt, thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến. Nhiều ngân hàng đã nỗ lực miễn giảm phí chuyển tiền trực tuyến, ngân hàng điện tử hay cải thiện các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến. Các công ty Fintech với các sản phẩm ví điện tử cũng liên tục đưa ra khuyến cáo người dùng hạn chế sử dụng tiền mặt; khuyến khích ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, một kênh thanh toán hiệu quả nữa cũng được ưa chuộng trong mùa dịch này, đó là giao dịch bằng thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless). Hình thức thanh toán này không chỉ thanh toán đơn giản hơn mà còn bảo đảm an toàn khi thẻ không bao giờ rời khỏi tay, cho phép chủ thẻ vẫn kiểm soát được thẻ trong suốt quá trình giao dịch.
Như vậy, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là chủ trương của Chính phủ, mà còn là xu hướng mang tính thời đại, nhất là trong bối cảnh toàn thế giới chung tay ngăn ngừa sự phát tán, lây lan của vi-rút corona.