Thành phố Hồ Chí Minh phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

NDO - Ngày 17/4, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó, các điểm bán ở chung quanh trường học vẫn được coi là thức ăn đường phố, ẩn giấu rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên cả nước là tiếp tục “bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5.

Trong tháng phát động năm nay, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh có sự khác biệt. Thành phố không chủ động được nguồn thực phẩm mà chủ yếu nhập từ các tỉnh, thành phố cho nên công tác chuẩn bị phải có sự gắn kết với sở nông nghiệp phát triển nông thôn các tỉnh, đặc biệt là nông sản thực phẩm tươi sống.

Thành phố Hồ Chí Minh phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm ảnh 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ phát động.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm phân phối, là nơi quá cảnh để các sản phẩm thực phẩm được kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu.

Vì thế, các hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm xuất khẩu rất sôi động. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất, phân phối thực phẩm nhiều, với các mô hình khác nhau.

Từ đó, đòi hỏi có một lực lượng đủ để thực hiện thanh kiểm tra. Do vậy, thanh tra Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng các lực lượng chuyên ngành, liên ngành ở quận, huyện, phường, xã để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, để tháng hành động đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao, Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt hình thức kinh doanh online.

Bởi, đây là hình thức kinh doanh ngày càng phổ biến, lượng hàng kinh doanh qua hình thức này trong đó có thực phẩm, ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn và thực phẩm giả, thực phẩm nhái, thực phẩm kém chất lượng.

Vì vậy, các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Song song đó, cần đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học, thậm chí nghi ngờ có thực phẩm chứa ma túy được bán xung quanh các trường học gây ảnh hưởng sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

"Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chỉ đạo sát sao về nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm vai trò của những người sản xuất kinh doanh thực phẩm và của cả người tiêu dùng và nâng cao việc phối hợp liên ngành, đặc biệt là sự phối hợp của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc giám sát, phát hiện những hành vi trái pháp luật về an toàn thực phẩm", ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.