Thái Bình xử lý hơn 200 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Hàng loạt tồn tại, khó khăn trong phát hiện, kiểm soát và ngăn ngừa những vi phạm về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong thời gian qua đã được chỉ ra tại hội nghị đánh giá công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 15/4.
0:00 / 0:00
0:00
Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Thái Bình kiểm tra việc lưu mẫu và thực phẩm test nhanh dụng cụ đựng thực phẩm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn May Lan Lan.
Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Thái Bình kiểm tra việc lưu mẫu và thực phẩm test nhanh dụng cụ đựng thực phẩm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn May Lan Lan.

Trong năm 2023 và cả quý 1 năm nay, các thành viên trong Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh Thái Bình đã xử phạt hơn 200 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ngành y tế là đơn vị tích cực nhất trong phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Qua báo cáo, trong năm 2023 và quý 1 năm nay, toàn ngành đã kiểm tra gần 3.000 cơ sở, xử phạt 138 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 613 triệu đồng.

Tiếp đó là Công an tỉnh, năm 2023 lực lượng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 58 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền 223 triệu đồng. Quý 1 năm nay, xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ với tổng số tiền 26 triệu đồng.

Các ngành nông nghiệp, công thương, quản lý thị trường cũng tích cực thanh tra, kiểm tra theo dõi lĩnh vực quản lý để ngăn ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Thái Bình xử lý hơn 200 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh 2

25 học sinh được điều trị tại Bệnh viện huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), 3 học sinh điều trị tại nhà trong vụ ngộ độc do ăn bánh bông lan xảy ra tháng 9/2023.

Ngoài kết quả đạt được, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Thái Bình chỉ ra một loạt những hạn chế trong thời gian qua.

Dễ thấy nhất là cùng một hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, nhưng các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành không có sự thống nhất, chồng chéo, cho nên việc triển khai chưa đồng bộ, nhất là đối với các cơ sở sơ chế, sản xuất quy mô nhỏ lẻ trong việc cấp giấy chứng nhận, ký cam kết…

Bên cạnh đó, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định các hành vi vi phạm áp dụng đối với tất cả các cơ sở, từ quy mô lớn đến vừa và nhỏ (hộ gia đình), nên thực tế khi phát hiện và xử lý gặp khó khăn vì mức xử phạt cao.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, số lượng mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản chưa nhiều, chưa đồng đều giữa các loại sản phẩm, chưa phủ khắp các địa phương trong tỉnh; tỷ lệ mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm còn khá cao.

Thái Bình xử lý hơn 200 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh 3

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm cho biết, địa phương sẽ tập trung nguồn lực để kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với nhóm thực phẩm nguy cơ cao, được chế biến sẵn phổ biến trên thị trường.

Để khắc phục các tồn tại này, theo ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thì rất cần huy động sự tham gia của các ngành thành viên Ban chỉ đạo; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng.

Ngoài ra, cũng cần tích cực vận động người dân nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn, thay đổi thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm và cảnh giác trước những thực phẩm được khuyến cáo vi phạm về chất lượng thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo ông Hòa, địa phương sẽ tập trung nguồn lực để kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với nhóm thực phẩm nguy cơ cao, được chế biến sẵn phổ biến trên thị trường. Mặt khác, tỉnh sẽ tăng cường hậu kiểm chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm tự công bố được sản xuất trong tỉnh và sản phẩm của các tỉnh lưu thông tại Thái Bình.

Thời gian tới, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh hoạt động cấp phép trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ký cam kết với các cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình để hoạt động của loại hình này đi dần vào nền nếp, tuân thủ pháp luật.