Thành phố Hà Nội triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024

NDO - Ngày 12/4, Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND huyện Chương Mỹ tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, với mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.

Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

Thành phố Hà Nội triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024 ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương: Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024 trên toàn thành phố. Cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động sẽ tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

Ngoài bốn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó, riêng ngành Y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, Vũ Thu Hà cho rằng: An toàn thực phẩm luôn là vấn đề rất “nóng” và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý.

Do vậy, để triển khai Tháng hành động đạt hiệu quả, UBND thành phố đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thực chất; đặc biệt tập trung kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm đã được phê duyệt, đề xuất nhân rộng các hoạt động đã triển khai và được đánh giá có hiệu quả. Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng các hoạt động mới về an toàn thực phẩm bảo đảm thiết thực và phù hợp với thực trạng công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố...

Mặt khác, các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả cơ quan quản lý trên địa bàn; truyền thông, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm để người dân được biết.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội: Toàn thành phố hiện có hơn 70 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10 nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35 nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Năm 2023, toàn thành phố thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra. Số cơ sở được kiểm tra là 18.822 cơ sở, trong đó 16.106 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 85,3%), 2.776 cơ sở vi phạm.