Thành phố Hồ Chí Minh “nhận diện” 5 nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công rất chậm

NDO - Ngày 16/10, báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, có 5 nguyên nhân tác động khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, chưa đạt yêu cầu. Từ đó, kiến nghị Trung ương tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thúc đẩy giải ngân tại thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Thông xe 1 nhánh hầm chui Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Thông xe 1 nhánh hầm chui Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Theo đó, 5 nguyên nhân chính là: Đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố; thay đổi thời gian hiệu lực của Luật Đất đai 2024; phối hợp giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương; vướng mắc liên quan điều chỉnh quy hoạch; quá trình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới.

Trong đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khoảng hơn 49% số vốn đầu tư công trung hạn của thành phố mới đủ cơ sở để triển khai thực hiện từ cuối năm 2023 (tháng 9/2023) thay vì được triển khai ngay đầu kỳ như các địa phương khác. Điều này dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn này bị chậm hơn so với các dự án sử dụng nguồn vốn được giao từ đầu kỳ trung hạn.

Bên cạnh đó, việc thay đổi quy định của Luật Đất đai về chính sách bồi thường trong điều kiện số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của thành phố rất lớn, tính chất của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp đã tác động trực tiếp tới tỷ lệ giải ngân.

Cụ thể, theo kế hoạch từ đầu năm, thành phố dự kiến hoàn tất thủ tục và giải ngân kế hoạch vốn trong quý III/2024. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thành ngày 1/8/2024 thì phần lớn số vốn bố trí năm 2024 đã không thể giải ngân theo tiến độ và các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng để bảo đảm tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai mới. Hệ quả tới nay, thành phố mới chỉ giải ngân được số vốn 3.000 tỷ đồng trên tổng số 33.000 tỷ đồng phải giải ngân, tỷ lệ khoảng 10%.

Theo tính toán, trong năm 2024, tổng số vốn sử dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố khoảng 33.000 tỷ đồng (chiếm 38% tổng vốn đầu tư công thành phố phải giải ngân).

Cũng theo chính quyền thành phố, một số dự án khi tính toán lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định mới đã làm tăng tổng mức đầu tư, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và phải thực hiện điều chỉnh dự án mới đủ điều kiện giải ngân chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, 2 dự án điển hình bị ảnh hưởng rất lớn do phải xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 là Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) và Dự án Bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8). Hiện, thành phố vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các thủ tục để có thể giải ngân cho cả 2 dự án này vào cuối năm với số vốn là hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 23% tổng số vốn phải giải ngân cả năm của thành phố).

Từ nhận diện khó khăn, vướng mắc này, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Đầu tư công năm 2024 (Luật Đầu tư công (sửa đổi)).

Đối với dự án cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục liên quan để bắt đầu cung cấp cát cho dự án xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh theo như tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ. Với Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo phương án tháo gỡ cho dự án, trong đó bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách.

Theo Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 11/10, tổng số vốn Thành phố đã giải ngân là 16.787,114 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,2%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là 1.154,357 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,3% trên tổng kế hoạch vốn giao (3.686,56 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương giải ngân là 15.632,757 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,7% trên tổng kế hoạch vốn giao (75.577,216 tỷ đồng).

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 9 tháng cuối năm của thành phố chưa đạt như kế hoạch. Do đó, các cấp chính quyền thành phố đã đề ra những giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể và đang tiếp tục bám sát để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đã đề ra...