Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2024, nhưng đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân được 20% vốn đầu tư công so với kế hoạch. Những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp vẫn là do vướng mắc về thủ tục, không giải phóng được mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu để thi công…
Công trình nút giao An Phú (thành phố Thủ Ðức) đang thi công. (Ảnh CTV)
Công trình nút giao An Phú (thành phố Thủ Ðức) đang thi công. (Ảnh CTV)

Có tiền mà không tiêu được

Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cam kết với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giải ngân 590 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng đến nay mới giải ngân được 86 tỷ đồng. Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cam kết giải ngân 111 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 31,4 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết 153 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng. Còn Ban Quản lý đường sắt đô thị cam kết giải ngân 119 tỷ đồng nhưng cũng chỉ giải ngân được 32 tỷ đồng. Tổng giải ngân của bốn ban này từ đầu năm đến giờ chỉ đạt 10,4%, thấp hơn mức bình quân chung của thành phố, trong khi đây đều là các ban chiếm phần lớn vốn đầu tư công của thành phố.

Tính đến hết tháng 9, thành phố mới giải ngân được 15.800 tỷ đồng, đạt 20% so với kế hoạch giải ngân vốn năm 2024. Trong khi đó, thành phố đặt mục tiêu giải ngân năm 2024 phải đạt 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng, cao hơn năm 2023 là 11.200 tỷ đồng. Với kế hoạch từng quý, thành phố đặt chỉ tiêu quý I đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý II đạt từ 30% trở lên, quý III hơn 70% thì mới bảo đảm quý IV đạt hơn 95%.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đại diện Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khi Luật Ðất đai năm 2024 có hiệu lực đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Cụ thể, trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh thì có đến 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Dù ngay từ đầu năm, thành phố đã lập các thủ tục để giải ngân nhưng khi Luật Ðất đai có hiệu lực (từ ngày 1/8), thì thành phố đã phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án do tăng chi phí.

Ðơn cử, dự án cải tạo bờ bắc kênh Ðôi (Quận 8), tiền bồi thường, tái định cư cho hơn 1.600 hộ dân đã tăng từ 3.583 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng khi áp dụng giá đất mới. Hay dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đang trong quá trình phối hợp các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ về thủ tục… Bên cạnh đó, còn có các dự án phải dừng để điều chỉnh quy hoạch; một số dự án có liên quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử… cũng tác động đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đâu là giải pháp?

Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ban đã được các sở, ngành duyệt 12 dự án, phấn đấu sẽ khởi công vào cuối năm nay để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Còn theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nếu quận Tân Bình sớm hỗ trợ đẩy nhanh mặt bằng đường Trần Quốc Hoàn thì sẽ giải ngân được 390 tỷ đồng; Ủy ban nhân dân Quận 4 giải phóng được mặt bằng cầu đường Nguyễn Khoái sẽ chi trả được 770 tỷ đồng…

Ðể đạt kết quả giải ngân ít nhất 95%, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt như điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân cao. Với những dự án đang chờ các bộ, ngành và cơ quan liên quan xử lý vướng mắc, thành phố điều chuyển tạm số vốn từ các dự án này để bố trí cho các dự án khác có thể giải ngân ngay. Thành phố sẽ tiếp tục rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp chậm trễ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, với tỷ lệ giải ngân vốn nêu trên là quá thấp. Ðể đạt được chỉ tiêu đề ra, từ nay đến hết năm 2024, thành phố phải giải ngân khoảng 63.000 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng hơn 21.000 tỷ đồng. Thành phố quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

Do đó, cả hệ thống chính trị phải dốc toàn lực với quyết tâm cao nhất. Trong số các nhiệm vụ còn tồn đọng, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp và phân nhóm cùng các mốc thời gian hoàn thành để từng lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, giám sát triển khai thực hiện, bảo đảm hằng tuần, hằng tháng phải hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch.

Về giải pháp lâu dài để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, là cho phép tư nhân tham gia. Bởi các dự án đầu tư công hiện nay đều do Nhà nước hay một ban quản lý thực hiện. Do vậy, lãnh đạo thành phố cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận như xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn.

Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98 Thành phố Hồ Chí Minh, dù lãnh đạo thành phố đã ra hàng loạt kế hoạch, họp theo dõi hằng tuần nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp là do vướng về cơ chế, thủ tục. Muốn tháo gỡ, thành phố cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chi tiết hơn nữa. Ðơn cử, Nghị quyết số 98 đã cho phép tách dự án thành hai phần: gồm đền bù và xây dựng. Do vậy, có thể vận dụng nghị quyết này để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, một điểm nghẽn rất lớn trong các dự án hiện nay.