Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước thanh toán đến hết 30/9 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 (bao gồm 9 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) hơn 25.746 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%).
Trong đó, tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước của 5 địa phương cụ thể: Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4 tỷ đồng, đạt 58,47%; Đà Nẵng giải ngân 3.520 tỷ đồng, đạt 48,27%; Quảng Nam giải ngân 2.672,9 tỷ đồng, đạt 40,99%; Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3 tỷ đồng, đạt 33,4%; Bình Định giải ngân 5.456,1 tỷ đồng, đạt 69,37%.
Trong 5 địa phương này, có 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định có tỷ lệ giải cao hơn mức trung bình của cả nước và 2 địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công. |
Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; công tác xác định tính pháp lý hồ sơ thửa đất gặp khó khăn; hồ sơ địa chính lạc hậu, chưa đồng bộ...
Người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất. Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định mới của Luật Đất đai.
Cạnh đó, một số chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm trễ, vẫn còn một số trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư và làm chậm việc triển khai thực hiện dự án. Việc đăng ký bố trí vốn của một số chủ đầu tư chưa phù hợp với khả năng và tiến độ triển khai thực tế dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư phải đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn sau khi đã được giao vốn triển khai.
Năng lực của một số nhà thầu tư vấn thiết kế không tương xứng với hồ sơ dự thầu, chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế của dự án, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư và tiến độ giải ngân của các dự án khởi công mới. Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, còn thụ động trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể.
Công tác phối hợp với các sở, ngành và các bên liên quan vẫn còn thiếu tính chủ động; việc xử lý các nhà thầu vi phạm vẫn còn chưa kiên quyết và kịp thời. Công tác báo cáo, giám sát, đánh giá đầu tư công vẫn chưa được các chủ đầu tư và địa phương quan tâm đúng mức. Mặt khác, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến một số chủ đầu tư còn thực sự chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi để sớm giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị xem xét phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương trong quá trình lập, thẩm định dự án và lập, thẩm định thiết kế thi công để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện các dự án tu bổ di tích cấp quốc gia; thành phố Đà Nẵng đề nghị bổ sung nội dung này vào Luật đầu tư công sửa đổi và quy định cụ thể là thành phần chi phí trong kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án và được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bao gồm: Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; Quốc lộ 14D; Quốc lộ 14G; Quốc lộ 14B; Quốc lộ 40B; Quốc lộ 14H.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét bổ sung dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 14G (đoạn từ Quốc lộ 14B đến Trường Tiểu học Lâm Quang Thự) vào danh mục các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại 5 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và chia sẻ khó khăn của các địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua; đồng thời, nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để đạt được kết quả giải ngân theo kế hoạch giao, các địa phương phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ và theo dõi sát tình hình thực tế; tập trung làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương cần xác định nhiệm vụ rõ chính trị, quyết tâm hơn nữa trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý, các địa phương tăng cường cán bộ có năng lực về hỗ trợ công tác giải ngân cho tuyến huyện; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công. Cạnh đó, các địa phương cần có giải pháp tăng nguồn thu ngân sách, nhất là từ đất để bổ sung nguồn vốn đầu tư và nguồn lực chi ngân sách địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo đề xuất của các địa phương, đẩy nhanh tiến độ, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc thì kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết...