Công tác dân vận là giải pháp "mềm"
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, đến nay huyện Củ Chi là địa phương duy nhất của thành phố có ba dự án trọng điểm quốc gia đi qua, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới là dự án vành đai 4 và dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án đường vành đai 3 đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ghi nhận về những nỗ lực, không ngừng đổi mới của cả tập thể Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức, đoàn thể với thời gian thực hiện thần tốc trong vòng 18 tháng (kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà không phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trường hợp nào). Tính đến nay, huyện đã chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vành đai 3 đạt tỷ lệ 99,23%.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết: Những con số đạt được về tỷ lệ hộ dân bàn giao mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là Dự án đường vành đai 3 là nhờ địa phương đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về "Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới". Trong đó xác định rõ công tác dân vận, tuyên truyền giữ vai trò "đi trước, mở đường", là "giải pháp mềm" giúp lan tỏa, truyền tải đầy đủ, chính xác, kịp thời, minh bạch chủ trương, pháp lý và chế độ chính sách cụ thể của dự án tới các chủ sử dụng nhà, đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Vai trò của công tác dân vận còn có tính quyết định giúp thay đổi quan điểm và ý thức cộng đồng về giá trị, lợi ích của dự án đầu tư.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả vai trò của công tác dân vận, dự kiến trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2025, huyện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho 6.000 hồ sơ tương ứng số tiền gần 3.000 tỷ đồng; bàn giao mặt bằng 25 dự án cho chủ đầu tư thi công.
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông): "Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi, cần phải cân bằng lợi ích của cả chủ đầu tư và người dân". Chính vì vậy, để bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, công tác dân vận chính quyền và thực hiện dân chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong nhiệm vụ thu hồi đất.
Ông Hùng cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đường vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh đạt 99,8%, với 1.689/1.692 trường hợp đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Đây là điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư (Ban Giao thông) nắm chắc tiến độ, phối kết hợp cùng các nhà thầu nỗ lực thi công, phấn đấu đến năm 2026 hoàn thành công trình đưa vào khai thác.
Bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trung Trực cho rằng: Làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Do đó, việc xác định giá bồi thường, hỗ trợ sát giá thị trường trong điều kiện bình thường là yếu tố tiên quyết để người dân đồng thuận chủ trương của Nhà nước, sớm bàn giao mặt bằng. Thống kê của Sở, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện. Cụ thể: Năm 2022 có 187 dự án, năm 2023 có 174 dự án, năm 2024 có 177 dự án được triển khai thực hiện.
Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đi qua địa bàn sáu quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú có tổng chiều dài tuyến 11 km với 585 trường hợp bị ảnh hưởng và tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 251.136 m2. Dự án được phê duyệt từ năm 2010, tính đến nay công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư đạt 98,46% (576/585 trường hợp).
Là một trong sáu quận nằm trong dự án, Ban Dân vận Quận ủy Quận 3 đúc kết: Để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân. Nếu công tác dân vận được thực hiện một cách hiệu quả, thì đây chính là kênh tư vấn và hỗ trợ, nắm bắt thông tin tốt nhất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho tương lai của chính họ.
Sắp tới, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án trọng điểm triển khai là dự án rạch Xuyên Tâm, bờ bắc Kênh Đôi, đường vành đai 2 (đoạn 1, 2), đường vành đai 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài với khoảng 6.899 hộ dân bị ảnh hưởng, 269 ha đất cần thu hồi. Đây là những công trình sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố nhưng cũng là vấn đề nan giải đặt ra với khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, thời gian tới Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ để tham gia công tác dân vận, giải quyết những vấn đề bức xúc của người bị thu hồi đất, nhất là những công trình, dự án trọng điểm phải bảo đảm đúng tiến độ, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác phân cấp, ủy quyền thực hiện các dự án đầu tư, trên cơ sở luật định về cho các địa phương.