Thực hiện di huấn của Bác Hồ “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, tỉnh Thanh Hóa tích cực triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, phát huy giá trị nhân văn, ý nghĩa sinh thái của việc trồng cây, trồng rừng, gắn phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại lễ phát động trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy Đảng, các ngành, các địa phương duy trì và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, toàn dân trồng cây, trồng rừng”, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thanh Hóa phấn đấu trong dịp Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024 trồng được 3 triệu cây xanh; tiếp tục bảo vệ tốt thảm rừng hiện có, nhất là diện tích rừng tự nhiên, chú trọng phát triển rừng thâm canh gỗ lớn, nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng, 2 sản phẩm chủ lực: Gỗ và sản phẩm từ gỗ; tre, luồng và sản phẩm từ tre, luồng.
Cán bộ các ngành, cấp tỉnh hưởng ứng phong trào trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn. |
Từ năm 2021 đến nay, nhân dân Thanh Hóa đã trồng được 24 triệu cây xanh. Riêng năm 2023, nhân dân toàn tỉnh đã trồng được 6,195 triệu cây xanh phân tán, hơn 12 nghìn ha rừng tập trung. Qua đó, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho hàng nghìn hộ gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh-quốc phòng.
Lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường trồng, chăm sóc cây xanh. |
Năm nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa chủ động lựa chọn địa điểm, những cây phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và những cây đã qua khảo nghiệm, tổ chức lễ phát động, ra quân trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn.
Thanh Hóa phấn đấu trồng mới hơn 10 nghìn ha rừng tập trung, 6,2 triệu cây xanh phân tán trong năm 2024, hiện thực hóa mục tiêu trồng được 34,5 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ.