Như Xuân phấn đấu thoát nghèo

Chính quyền các xã ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đang dành ưu tiên, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo trong độ tuổi lao động đi đào tạo, tập huấn nghề nghiệp, nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần xóa đói, nghèo trong đồng bào các dân tộc.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) phát triển chăn nuôi nhờ nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) phát triển chăn nuôi nhờ nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Tân Thanh, xã Cát Tân, huyện Như Xuân đông con, nhiều cháu. Người hàng xóm thấy vậy nhượng lại cho ông "nửa con bò" làm vốn. Ðến nay, gia đình ông Hải đã nuôi thêm hai con bò, một con bê, với hơn hai ha cao-su đang kỳ khai thác mủ và trồng thêm 1,5 ha cao-su nữa. Nhà nước hỗ trợ mua con giống, nhân đàn gia súc; tỉnh Thanh Hóa và huyện Như Xuân hỗ trợ hơn chín triệu đồng để trồng mới, chăm sóc một ha cao-su qua đó giúp gia đình ông thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Với 1.164 ha đất lâm nghiệp, hơn 1.400 lao động, cán bộ, nhân dân trong xã xác định phát triển cây công nghiệp, trồng rừng hàng hóa, chăn nuôi gia súc là hoạt động kinh tế chủ đạo. Cùng với du nhập các giống lúa lai, ngô lai có tiềm năng cho năng suất cao vào sản xuất, bảo đảm cân đối lương thực tại chỗ; đẩy mạnh trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển vốn rừng, chuyển diện rừng nghèo kiệt sang trồng sắn, mía, cao-su, keo gắn với cơ sở chế biến hiện có, Cát Tân tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa theo quy mô trang trại, gia trại, phấn đấu tăng tổng đàn gia súc 20%/năm.

Lên vùng cao Thanh Sơn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Như Xuân, giao thông kết nối với các bản vùng sâu, vùng xa đang được nâng cấp. Trụ sở làm việc còn chật hẹp, xuống cấp, nhưng chính quyền địa phương vẫn ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn xây dựng các trường học kiên cố, khích lệ thầy trò thi đua dạy tốt, học tốt nhằm nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Thanh Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn bà con tiếp nhận, phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a. Ông Lang Ðình Cương ở thôn Quăn 1 bộc bạch: Bao đời, bà con người Thái nơi đây vốn có truyền thống canh tác lúa nước nhưng ít đầu tư thâm canh các cây trồng khác. Ðược Nhà nước hỗ trợ vốn và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc cây trồng đúng quy trình, kỹ thuật, cho nên năng suất lúa trước đây chỉ đạt từ 3 đến 3,5 tạ/sào, nay đã đạt 4 tạ/sào. Gia đình ông còn được hỗ trợ thêm vốn trồng 1,3 ha keo; mua hai con dê, đến nay đã nhân lên bảy con nên thoát được nghèo.

Ðồng hành cùng nông dân trên bước đường xóa đói, giảm nghèo, anh Lang Xuân Hồng cùng hơn mười thanh niên trong xã theo học trung cấp nông lâm. Là đảng viên, làm cán bộ khuyến nông thôn Kẻ Xuôi, anh Hồng đến từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Anh còn nhận theo dõi, giúp đỡ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, cây ăn quả, đào mương dẫn nước vào ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương châm "bốn đúng", thực hiện tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện, cuộc sống của hai gia đình được anh Hồng giúp đỡ đã cải thiện rõ rệt.

Theo UBND huyện Như Xuân, từ nguồn hỗ trợ 900 triệu đồng, huyện đã xây dựng được chín mô hình nuôi lợn lai giống Móng Cái, gà lông màu, vịt bầu, trồng chuối tiêu hồng, sử dụng phân viên nén dúi sâu để bà con học tập và nhân rộng. Ngoài ra, huyện còn cử tuyển hơn 180 con em địa phương được hỗ trợ học tập, tuyển dụng làm cán bộ khuyến nông cho thôn, bản, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho bà con, giúp bà con ứng dụng vào sản xuất cây trồng, vật nuôi. Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân Phạm Văn Tuấn ghi nhận, từ việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiệu quả sản xuất của từng hộ gia đình nâng lên rõ rệt. Tại các mô hình trình diễn, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha và bình quân năng suất lúa vụ chiêm xuân vừa qua đạt 56 tạ/ha. Chăn nuôi tự cung, tự cấp dần chuyển sang phát triển chăn nuôi hàng hóa. Từ nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ để mua trâu, bò sinh sản, nhiều hộ dân đã nhân thêm được từ một đến ba con trâu, bò. Ðến nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện lên tới hơn 10 nghìn con, bảo vệ 13.650 ha rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 63,5%.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Như Xuân Lê Ðình Chuyên, cho biết: Là huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 30,96%, khó bố trí thêm nguồn lực đầu tư cho nên với định mức hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không quá ba triệu đồng/hộ, nông dân gặp khó khăn khi lựa chọn nội dung thực hiện. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận nông dân còn chưa cao trong sử dụng nguồn vốn nhà nước hỗ trợ. Trong thực hiện hợp phần phát triển sản xuất, mục tiêu đề án đề ra nhiều, nhưng nguồn lực hạn chế. Theo đó, cần nâng mức hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản lên 10 triệu đồng/hộ; mua dê, lợn Móng Cái sinh sản, cải tạo vườn tạp lên 7 triệu đồng/hộ; tăng mức hỗ trợ trồng rừng lên 10 triệu đồng/ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Xuân Phương mong muốn huyện cố gắng lồng ghép các nội dung, bố trí nguồn vốn tập trung cho những hộ có điều kiện, khả năng vươn lên thoát nghèo; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến nông hộ. Ngoài ra các công trình công cộng như: giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, công trình nước sạch... cũng cần được lựa chọn đầu tư.

Huyện Như Xuân đang tập trung thực hiện Nghị quyết 09 của Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa theo hướng khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, khơi dậy nguồn lực nội sinh, lồng ghép các chương trình dự án, bố trí nguồn lực tập trung nhằm sớm thoát khỏi nhóm bảy huyện nghèo đang thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.