Thanh Hóa đẩy mạnh chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo

Ðể đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% vào năm 2010 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện nghèo, thủ trưởng các ngành và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ tỉnh đề ra, đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động Ðoàn thanh niên phối hợp LLVT đóng trên địa bàn tham gia, huy động và sử dụng tổng hợp các nguồn lực, hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Thường Xuân rà soát các hộ nghèo chưa làm được nhà ở, báo cáo UBND tỉnh và đề xuất phương án trợ giúp, bảo đảm hoàn thành việc làm nhà cho các hộ nghèo trước Tết Nguyên đán Canh Dần năm 2010. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung bộ đội giúp đỡ huyện Mường Lát xây dựng nhà cho 43 hộ nghèo không có khả năng tự làm nhà ở. Chủ tịch UBND các huyện nghèo chủ trì, phối hợp lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã nghiên cứu cho phép nhân dân khai thác gỗ làm nhà theo Quyết định 167, bảo đảm đúng quy định và tiết kiệm, không để xảy ra việc lợi dụng cho phép khai thác gỗ làm nhà để khai thác gỗ trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư theo đúng quy định, khẩn trương tổ chức thi công, bảo đảm khối lượng và chất lượng các công trình, nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư theo Nghị quyết số 30a năm 2009 trước ngày 30-1-2010. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Ðào tạo và Trường Chính trị tỉnh tập trung cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đề xuất lồng ghép các phương án để đào tạo có hiệu quả.

Trong năm 2010, tỉnh Thanh Hóa tập trung nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 30a để đầu tư hoàn thành các dự án còn dở dang, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; ưu tiên những dự án cấp thiết gắn với việc quy hoạch và sắp xếp lại dân cư ở địa phương. Ðối với nguồn vốn sự nghiệp tập trung, tỉnh ưu tiên hỗ trợ gạo cho hộ nghèo ở khu vực biên giới; trả lương khuyến nông viên các thôn, bản; xây dựng mô hình trình diễn như: trồng rừng, chăn nuôi và phát triển tiểu thủ công nghiệp.

* Dự án Ðầu tư, bảo vệ phát triển rừng giai đoạn (2009 - 2015) của 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc tỉnh Hà Giang, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc, với tổng kinh phí dành cho dự án là 411 tỷ đồng, nhằm thu hút các hộ gia đình trên địa bàn tham gia hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chuyển hướng từ phát nương làm rẫy sang sản xuất nông - lâm nghiệp, từ trồng cây lương thực trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng kinh tế, góp phần ổn định dân cư, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của 4 huyện vùng cao là 140,4 nghìn ha, chiếm 59,8% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, rừng tự nhiên có hơn 70,5 nghìn ha, chiếm hơn 91% đất có rừng; rừng trồng hơn 6,7 nghìn ha, chiếm gần 9% đất có rừng. Ðất chưa có rừng hơn 63 nghìn ha, chiếm gần 45% diện tích đất lâm nghiệp. Dự án Ðầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang được triển khai bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, được đầu tư vào các hạng mục như: Trồng mới rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc; khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đầu tư cây giống, hỗ trợ lương thực các hộ dân trồng rừng dự án trong những tháng giáp hạt...

Với mục tiêu đặt ra từ nay cho đến năm 2015 là-trồng mới 10.489,2 ha rừng; quản lý, bảo vệ 77.301,1 ha; khoanh nuôi, phục hồi 18.871,7 ha. Ðến năm 2015 sẽ nâng độ che phủ rừng của 4 huyện vùng cao từ 34% lên gần 53%. Dự án Ðầu tư, bảo vệ phát triển rừng ở 4 huyện vùng cao có tác dụng bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đồng thời điều hòa cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở 4 huyện vùng cao, làm giảm nhẹ thiên tai. Trồng mới các khu rừng sản xuất tập trung, nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản, sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân sống được từ rừng, hạn chế các vụ vi phạm lâm luật. Mục tiêu bao trùm là lấy việc phát triển lâm nghiệp làm nền tảng để từng bước ổn định đời sống nhân dân thông qua thu nhập từ trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng góp phần thúc đẩy kinh tế của bốn huyện tăng trưởng bền vững.

PV và TTXVN