Có hơn một triệu nhân khẩu, trong đó có 600.000 đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Mường, Dao, Mông, Khơ Mú sinh sống. Ðây là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh nên đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng này.
Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh miền tây Thanh Hóa đến năm 2010. Theo đó, nhiều chính sách, chương trình, dự án lớn được lồng ghép, thực hiện đồng bộ ở khu vực này. Tổng kết Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010, tỉnh Thanh Hóa được T.Ư cấp 856.250 triệu đồng để thực hiện bốn nội dung hợp phần nhưng nguồn huy động từ các chương trình, dự án khác đầu tư tập trung cho khu vực miền núi là 2.784 tỷ đồng. Bình quân mỗi xã được hưởng lợi thêm 2.500 triệu đồng từ các chính sách trợ giúp đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; giúp đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, trợ giúp di dân thực hiện định canh, định cư; trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu; vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các trung tâm cụm xã; đầu tư phát triển giao thông, điện sáng... Tỷ trọng đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước vào khu vực này chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn kế hoạch toàn tỉnh Thanh Hóa hằng năm. Ðến thời điểm này, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch lên các huyện miền núi trong tỉnh đã được nhựa hóa, tiếp tục nâng cấp, mở rộng; tuyến đường cơ động quốc phòng, đường nối các huyện miền tây cùng mạng lưới đường gom, giao thông xuống các trung tâm xã đang trong giai đoạn đầu tư, dần hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hai năm trở lại đây với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, đồng bào miền tây Thanh Hóa có thêm nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo. Về đầu tư cơ sở hạ tầng theo chương trình này, tỉnh Thanh Hóa được T.Ư cấp và đã sử dụng hết 315 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trung tâm dạy nghề. 12.954 hộ thuộc bảy huyện miền núi nghèo được trợ giúp xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/2008/QÐ-TTg. Thanh Hóa lồng ghép Chương trình 30a với nguồn vốn 661 để giúp nhân dân trồng 7.440 ha rừng sản xuất, bảo vệ 22.200 ha rừng. Hai năm qua, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ 3.555 triệu đồng từ chương trình mục tiêu để tổ chức dạy nghề cho 3.360 người nghèo và lao động nông thôn ở bảy huyện miền núi nhằm phát triển nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông hộ. Nét nổi bật là nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cán bộ các cấp, trí thức trẻ, các nhà khoa học đã đồng hành cùng nhân dân trong xóa đói, giảm nghèo.
Miền tây Thanh Hóa đang từng ngày 'thay da đổi thịt' từ việc thực hiện các chính sách đồng bộ, hiệu quả. Từ khu cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn), Pom Puôi, thị trấn huyện vùng cao Mường Lát, nơi cách TP Thanh Hóa tới gần 250 km đến đô thị Ngọc Lặc, Bãi Trành (Như Xuân)..., cả vùng nông thôn miền núi rộng lớn đang chuyển mình. Ðồng chí Trương Công Khâm, Bí thư Ðảng ủy xã Lương Ngoại, cho biết: Thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bá Thước, nhất là khu vực Quý Lương có nhiều khởi sắc. Tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa nên cây mía nguyên liệu đã vươn tới khu vực này, giá bán luồng cũng nâng cao. Thêm vào đó, các trường học, trạm y tế dần được kiên cố hóa. 200 hộ nghèo được giúp đỡ cải thiện khó khăn về nhà ở theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình 134, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với trợ giúp cây, con giống, phân bón cho nhân dân đầu tư thâm canh nâng cao năng suất cây trồng, một số công trình thủy lợi trên địa bàn được đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích tưới tiêu chủ động nên giá trị canh tác đã đạt hơn 30 triệu đồng/ha. Lãnh đạo xã Lương Ngoại tập trung phát triển nghề mây tre đan, chế biến các sản phẩm từ luồng, thu hút đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông hộ. Tương lai gần với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 có công suất 80 MW sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Quý Lương nói riêng, huyện Bá Thước phát triển nhanh hơn nữa. Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Nguyễn Văn Quy cho biết: Từ chỗ tổng vốn đầu tư khoảng vài tỷ đồng, hai năm trở lại đây huyện Bá Thước được đầu tư 40 đến 45 tỷ đồng/năm theo các chương trình dự án. Nhiều tuyến đường giao thông, công trình điện, thủy lợi, trường học đã và đang được xây dựng. Dù vậy, nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn vì toàn huyện có tới 400 phòng học cấp 4 xuống cấp, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện mới đạt 65%, các vùng dân cư khá cách trở bởi con sông Mã chia cắt. Ðiều quan trọng là phải tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, tư duy kinh tế cho nhân dân trong vùng, thu hút đầu tư chế biến lâm sản, nâng cao giá trị thu nhập cho hộ gắn bó với nghề rừng, bởi toàn huyện có tới 62 nghìn ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó bảy nghìn ha luồng đang cho khai thác khoảng ba triệu cây/năm.
Khảo sát thực tế ở một số huyện miền núi Thanh Hóa, chúng tôi thấy rằng, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Không ít hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất, trình độ dân trí thấp, tư duy phát triển kinh tế hàng hóa chưa định hình rõ nét trong phần lớn dân cư. Theo lãnh đạo các huyện, xã: Vùng miền núi được hưởng lợi nhiều chương trình, dự án nhưng xuất trợ giúp còn thấp, đầu tư dàn trải. Thực tế, việc trợ giúp một lần mua con giống phát triển chăn nuôi phải thực hiện theo nhóm hộ; có hộ được nhận phân bón nhưng không có ruộng. Không ít gia đình chủ động tách hộ để thuộc diện hưởng lợi trợ giúp làm nhà theo Quyết định 167/QÐ-TTg. Trước đây, tỷ lệ hộ dân được giao đất, giao rừng theo Nghị định 02/CP là 75% nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên không được hưởng lợi khi thực hiện các gói hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới, phát triển vốn rừng. Nên chăng cần giảm bớt chính sách an sinh, trợ giúp trực tiếp đến hộ nghèo và tập trung nguồn vốn cho việc đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hướng tới cộng đồng cùng hưởng lợi. Ðồng chí Trịnh Ðình Châu, Phó Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc bộc bạch: Sau nhiều năm công bố quy hoạch tổng thể và bốn quy hoạch chi tiết đô thị Ngọc Lặc, nguồn vốn phân bổ xây dựng cơ sở hạ tầng, kết quả thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào khu vực này hạn chế. Hiện có Nhà máy xi-măng Thanh Sơn, Nhà máy thép Cao Ngọc đang trong giai đoạn đầu tư cơ bản. Miền núi Thanh Hóa cần các cơ sở chế biến nông, lâm sản và các loại hình công nghiệp sạch, thu hút nhiều lao động nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong vùng. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn, thông thoáng, phân cấp quản lý phù hợp mới huy động hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư để đô thị Ngọc Lặc sớm trở thành cực tăng trưởng, trung tâm miền tây Thanh Hóa, cửa ngõ giao lưu kinh tế với các tỉnh bạn và vùng thượng Lào. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa Nguyễn Thị Lý phân tích thêm: Không ít hộ gia đình ở miền núi rơi vào cảnh nghèo do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, vẫn giữ tập quán lạc hậu, có người thân lâm vào tệ nạn ma túy. Nhiều vùng đồng bào thiểu số chưa huy động, sử dụng hiệu quả lao động trong độ tuổi vào quy trình sản xuất, phụ nữ gánh vác công việc gia đình là chủ yếu cho nên hiệu quả lao động không cao. Thêm vào đó, trình độ của đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do vậy, để đồng bào miền núi giảm nghèo nhanh, bền vững, phải tiếp tục thực thi giải pháp đồng bộ và có sự đồng hành hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành trong tỉnh. Trước mắt, cần tăng cường đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực tại địa bàn vào bộ máy chính quyền cơ sở, trợ giúp xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao theo hướng cầm tay chỉ việc; điều chỉnh, lựa chọn nội dung đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa ở khu vực này và lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 80% đất tự nhiên toàn vùng nên phát triển nghề rừng gắn với chế biến sâu không chỉ là hướng xóa đói, giảm nghèo mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân ở miền tây Thanh Hóa.