Thân thương nhà Bác ở Thủ đô

Hà Nội là nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ là nơi Bác sống, làm việc trong thời gian dài hoặc đến thăm nhân dân, mà có những khoảng thời gian, do điều kiện cách mạng, Bác Hồ phải lưu trú tạm trong nhà của người dân. Những nơi ấy nay thành di tích. Nhưng nhiều người, không gọi đó là di tích Bác Hồ, mà gọi là "nhà Bác". Hai chữ "nhà Bác" thân thương, chính là biểu hiện đẹp nhất về tình cảm nhân dân Thủ đô với Bác Hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An giới thiệu về di tích tại phường Phú Thượng.
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An giới thiệu về di tích tại phường Phú Thượng.

1. Mùa thu năm 1945, Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội để chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ Lâm thời cách mạng ra mắt quốc dân, đồng bào. Đó cũng là lần đầu Bác Hồ về Thủ đô. Gia đình đầu tiên ở Thủ đô được đón Bác, là nhà cụ Nguyễn Thị An ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội).

77 năm đã trôi qua kể từ mùa thu cách mạng, những nhân chứng của thời khắc lịch sử ấy, phần nhiều đã thành người thiên cổ. Nhưng may mắn, cụ Công Thị Thu, con gái của cụ Nguyễn Thị An, người trực tiếp gặp Bác vẫn còn minh mẫn, dù ở tuổi ngoài 90.

Cô bé Thu lúc ấy mới hơn 10 tuổi. Mẹ và anh trai đều theo cách mạng nên cô bé thường được các đồng chí lãnh đạo cách mạng gọi là "đồng chí thiếu nhi". Buổi chiều 23/8/1945, bé Thu lẽo đẽo chạy theo mẹ đón "lãnh đạo cao cấp"... "Tôi được ông Hoàng Tùng nói là có một lãnh đạo cấp cao về nhà. Đó là một người cao, gầy nhưng đôi mắt rất sáng. Đồng chí ấy nói với mẹ tôi là cho các đồng chí mượn căn nhà này. Các đồng chí trò chuyện rất thân mật với gia đình. Tôi rất nhớ kỷ niệm hôm sau, gia đình làm ba mâm cơm. Mọi người bố trí đồng chí lãnh đạo cấp cao được ngồi mâm trên. Nhưng khi dọn ra, đồng chí bảo tất cả mọi người ngồi xuống cùng nhau rất hòa đồng", cụ Công Thị Thu nhớ lại. Sở dĩ Trung ương quyết định chọn nhà cụ An làm nơi Bác dừng chân bởi đây là một cơ sở cách mạng.

Nhà cụ An nằm bên sông Hồng, là "cửa ngõ" từ Hà Nội đi lên vùng chiến khu và ngược lại. Nơi đây, các đồng chí lãnh đạo như: Hoàng Tùng, Trần Đăng Ninh... tổ chức nhiều cuộc họp. Cụ An và con trai là ông Công Ngọc Kha còn tham gia công tác thông tin, liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ. Đến ngày 2/9/1945, gia đình cụ An đại diện cho người dân Phú Thượng dự mít-tinh tại Quảng trường Ba Đình. Khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập từ xa, mọi người thấy rất quen. Nhưng không ai chắc đó là "đồng chí lãnh đạo cao cấp" đã về nhà mình. Chiều về đến nhà, các đồng chí lãnh đạo mới cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đồng chí lãnh đạo đến gia đình hôm trước. Cả nhà mừng rơi nước mắt và reo lên: Hồ Chí Minh muôn năm.

Nơi bác dừng chân năm xưa ở phường Phú Thượng giờ đã là di sản vô giá. Đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh 2/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia cho di tích.

Người trực tiếp chăm nom ngôi nhà là ông Công Ngọc Dũng (con cụ Công Ngọc Kha, cháu gọi cụ Công Thị Thu bằng cô ruột). Một ngày mới của ông Dũng bắt đầu bằng việc chăm sóc từng hiện vật của ngôi nhà. Ông cẩn thận sắp lại lọ hoa, lau chùi chiếc ban thờ, nơi có ảnh Bác Hồ, một bên là lá cờ Đảng, bên kia là lá cờ Tổ quốc. Ông cẩn thận ngắm nghía xem việc bày biện có gì còn sơ sót không, rồi tiếp tục sang bộ trường kỷ, chiếc sập cổ. Mỗi động tác đều nghiêm cẩn như công việc của người thợ kim hoàn. Những đồ vật bằng gỗ để mộc, nhưng bóng lên nước thời gian. Tiếp đến là chiếc gương, chiếc chậu đồng...

Ông Dũng bồi hồi: "Đây chính là chiếc chậu đồng mà Bác dùng để rửa mặt. Tất cả hiện vật, như chiếc chậu đồng, chiếc phản gỗ Bác nằm, hay bộ trường kỷ Bác ngồi bàn việc nước với các đồng chí lãnh đạo cách mạng... đều được gia đình tôi gìn giữ cẩn thận. Bác chỉ ở với gia đình hai ngày, nhưng chúng tôi tâm niệm đó là niềm tự hào của quê hương Phú Thượng". Ngôi nhà ông Công Ngọc Dũng chăm nom, được ông và gia đình thân thương gọi là "nhà Bác Hồ".

Trước kia, ngôi nhà được gia đình ông Dũng giữ như một tài sản cha ông để lại. Nhưng khi Bác đi xa, mọi người trong gia đình chợt nhận thấy rằng, những hiện vật về Người là vô giá. Gia đình quyết tâm gìn giữ mọi hiện vật về Bác.

Ông Dũng chia sẻ thêm: "Gia đình tôi là gia đình cách mạng, nên hễ gặp nhau là nói chuyện cách mạng. Vì thế, tôi đều "thấm" mọi chuyện về Bác, về các đồng chí lãnh đạo cách mạng ngay từ nhỏ. Giờ gia đình tôi vẫn giữ nếp ấy, những hiện vật, câu chuyện về Bác từng đến nơi này, được truyền qua các thế hệ, đến trẻ nhỏ cũng thuộc lòng".

2. Hà Nội là nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ là nơi Bác sống, làm việc trong thời gian dài hoặc đến thăm nhân dân, mà có những khoảng thời gian, do điều kiện cách mạng, Bác Hồ phải lưu trú tạm trong nhà dân. Tất cả những ngôi nhà Bác lưu trú, dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó, nhân dân đã đặc biệt trân trọng giữ gìn. Câu chuyện gia đình ông Công Ngọc Dũng chỉ là một thí dụ. Năm 1996, gia đình ông đã quyết định hiến tặng toàn bộ ngôi nhà năm gian cho Nhà nước để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn. Còn ông, tự nguyện chăm nom ngôi nhà hằng ngày, tự nguyện làm hướng dẫn viên cho bất kỳ đoàn khách nào.

Những ngày mùa thu lịch sử năm 1945 ấy, sau khi rời căn nhà của cụ Nguyễn Thị An, Bác đến ở và làm việc ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) của gia đình cụ Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ. Đây chính là nơi Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Trưởng Ban quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn chia sẻ: "Chúng tôi là những người được thành phố giao trực tiếp quản lý di tích số 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với những di tích về Bác, những người làm công tác bảo tồn di tích đều hành động bằng trách nhiệm và cả tấm lòng. Mỗi hiện vật, từ chiếc bàn Bác ngồi làm việc, cho đến chiếc giường Bác ngả lưng..., đều được chúng tôi giữ gìn. Vì đó chính là câu chuyện chân thực nhất về sự giản dị, về sự gắn bó với nhân dân của Bác, về tình cảm nhân dân với Bác. Có vị lãnh tụ nào ở trong dân mà luôn tuyệt đối an toàn dù chung quanh là sự theo dõi của quân thù?".

Có những thời điểm, Bác sống cùng nhân dân khi đất nước ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Đó chính là thời điểm Bác về làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cuối năm 1946. Thời điểm ấy, thực dân Pháp có dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình thế nguy cấp, Bác rời nội đô, đến ở và làm việc tại làng lụa Vạn Phúc, trong căn nhà của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương.

Gia đình cụ Nguyễn Văn Dương vốn là một cơ sở cách mạng từ trước năm 1940, thường xuyên nuôi giấu cán bộ, trong đó có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ... Để bảo đảm bí mật nên mọi người trong gia đình không ai được biết ông cụ ở trên gác hai, thường xuyên làm việc khuya, sống giản dị chính là Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ ngày 3-19/12/1946. Đây cũng là nơi Người viết những lời lẽ đanh thép, hùng hồn, kêu gọi toàn dân đứng dậy bảo vệ nền độc lập, tự do trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ngôi nhà vẫn đứng đó cùng thời gian, chiếc giường, bộ bàn ghế làm việc cùng các vật dụng sinh hoạt khác... vẫn vẹn nguyên và được giữ đúng vị trí như Bác mới ở đây hôm qua.

Ông Nguyễn Văn Hùng - cháu nội cụ Nguyễn Văn Dương tâm sự: "Thời điểm Bác về Vạn Phúc tôi chưa sinh ra, nhưng ông nội và bố tôi luôn kể lại câu chuyện về Bác đầy tự hào nên tôi biết từng chi tiết từ hồi bé. Trong lúc gấp gáp như thế, khi ngày 19/12/1946, cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, trước lúc đi, Bác vẫn gặp ông nội tôi để cảm ơn. Lúc chia tay, ông tôi đã hỏi Bác: Thưa cụ, giặc Pháp mạnh như vậy, liệu Việt Nam có thắng được địch không? Ông tôi kể lại rằng, Bác trả lời: Một khi lòng dân cả nước yêu nước như gia đình mình thì chiến thắng càng đến gần. Bác cũng khẳng định kháng chiến nhất định thắng lợi".

3. Trưởng ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn chia sẻ, xưa nhân dân bảo vệ Bác an toàn trước quân giặc, thì nay, nhân dân chung tay giữ gìn di tích về Bác. Ngoài một số di tích quan trọng do Trung ương quản lý, thành phố Hà Nội hiện quản lý các di tích như: Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm); Nhà cụ Nguyễn Thị An tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ); Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông); ngôi nhà tại xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) nơi Bác ở và làm việc sau khi dời Vạn Phúc; ngôi nhà Bác dừng chân ở Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) hay chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ)... là những nơi Bác đã lưu trú. Bảo tồn di tích ở nơi đất chật, người đông như Hà Nội luôn gặp không ít khó khăn, nhưng di tích về Bác Hồ là một ngoại lệ. Không một ai mảy may tơ hào. Mọi người còn lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi chẳng may di tích xuống cấp. Và tất cả những di tích ấy, đều trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, về sự vĩ đại mà giản dị của Bác.

Giống như ông Công Ngọc Dũng, nhiều người, không gọi đó là di tích về Bác Hồ, mà gọi là "nhà Bác". Hai chữ "nhà Bác" thân thương, chính là biểu hiện đẹp nhất về tình cảm nhân dân Thủ đô với Bác Hồ.