Về Phú Thượng thăm di tích quốc gia Nhà lưu niệm Bác Hồ

Nằm nép mình bên bờ đê sông Hồng lộng gió, lẫn trong những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ở phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) là ngôi nhà mái ngói phủ sơn vàng đã nhuốm màu thời gian của gia đình cụ Nguyễn Thị An. Đây là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc trên chặng đường từ Việt Bắc về Hà Nội năm 1945, giờ đã trở thành địa chỉ du lịch về nguồn ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An giới thiệu về di tích.
Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An giới thiệu về di tích.

Nhà cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng) được xây dựng từ năm 1929. Bước qua cánh cổng gỗ nhỏ là khoảng sân gạch đỏ dẫn đến ngôi nhà lợp ngói xây kiểu ba gian hai chái.

Phía trước nhà là bốn chữ Hán “Minh nguyệt thanh phong” (tức trăng thanh gió mát). Hai bên có hai dòng chữ nhỏ “Tứ niên Bảo Đại-Tôn tạo đông thành” (nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa đông). Trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9 - ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nơi đây được chọn làm điểm dừng chân nghỉ lại của Bác bởi Phú Gia và Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng) vốn là cơ sở cách mạng vững chắc những năm 1941-1945, nhân dân giác ngộ, một lòng theo cách mạng, từng nuôi và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong…

Tại đây, Trung ương Đảng đã tin tưởng đặt cơ sở in Báo Cờ Giải phóng, trạm liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước. Hàng trăm người dân địa phương luôn hăng hái chở đò, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho nhiều cán bộ của Đảng trong quá trình di chuyển qua khu vực sông Hồng. Nhà cụ Nguyễn Thị An là cơ sở cách mạng tin cậy, nằm ở vị trí thuận lợi cách đê sông Hồng 100m, có đường đi từ bờ đê xuống cổng, qua sân có lối sang nhà khác trong làng, đã được giao nhiệm vụ tiếp đón Bác.

Ngày 24/11/1946, gia đình cụ Nguyễn Thị An và người dân làng Phú Gia một lần nữa được vinh dự đón Bác trở lại. Người đã có buổi làm việc với cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Từ đó đến nay, ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An được coi như “bảo tàng ký ức” lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Người. Trải qua gần 80 năm, ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên trong khuôn viên rộng 187,6m2 với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.

Đó là bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc; chiếc sập gỗ Bác đã nằm nghỉ ngơi; chiếc máy chữ, vali mây được Người mang về từ Chiến khu Việt Bắc; và cả bể nước, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng… Hai buồng nhỏ ở hai đầu nhà là nơi trưng bày nhiều bức ảnh của các cán bộ cách mạng đã ở ngôi nhà này để hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; cùng ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm gia đình.

Ngôi nhà được công nhận là “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Và mới đây, trong không khí những ngày mùa thu lịch sử kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, quận Tây Hồ, Hà Nội vừa vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An.

Hiện ngôi nhà đang được gia đình ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An trông nom. Đến thăm di tích lịch sử đặc biệt này, du khách không chỉ được ngắm nhìn những kỷ vật đáng quý, mà còn được nghe những câu chuyện đầy cảm động về Bác do ông Dũng kể. Ở tuổi 60, ông vẫn nhớ như in những lời cha mình kể lại về thời điểm lần đầu được gặp Bác.

Cha ông Dũng là Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc, con cụ Nguyễn Thị An)-cán bộ Việt Minh thời bấy giờ. Khoảng 20 giờ ngày 23/8/1945, khi ông Kha đang cùng một số đồng chí trong Ủy ban Nhân dân lâm thời xã Phú Gia dự họp, thì em gái đến gọi về nhà ngay. Về đến cổng, ông thấy có bảo vệ và được thông báo nay nhà có các đồng chí ở chiến khu về.

Hai tiếng “chiến khu” với ông Kha lúc đó gợi lên những xúc cảm vô cùng háo hức, thiêng liêng. Sau khi mẹ ông ra xác nhận, ông Kha được vào nhà. Tối hôm ấy, ông được đồng chí Khánh, tức Hoàng Tùng, giao nhiệm vụ vừa phục vụ và bảo vệ đồng chí thượng cấp, vừa lo bảo vệ ở vòng ngoài. Khi có dịp quan sát kỹ, ông Kha nhìn thấy người đang ngồi làm việc ở chiếc bàn nhỏ đặt giữa nhà là ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm, tóc hoa râm, chòm râu thưa, chân đi đôi giày vải của người dân tộc thiểu số, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen dường như vừa trải qua trận ốm, nhưng có đôi mắt rất sáng, phong thái nhanh nhẹn.

Ông Kha đoán đây là đồng chí thượng cấp. Đồng chí ấy xem ra bận lắm, đang chăm chú ghi chép điều gì đó vào cuốn sổ tay nhỏ. Những người còn lại ngồi trên chiếc giường bên phải thì trẻ hơn. Họ vô cùng trật tự và tôn kính đồng chí thượng cấp. Trên chiếc sập gỗ đặt sau bàn đồng chí thượng cấp ngồi làm việc, ông Kha thấy có chiếc mũ lá, một túi công tác nhỏ và chiếc gậy dựa bên cạnh sập. Thời gian ở tại đây, đồng chí ấy mải miết làm việc từ sớm đến khuya, không mấy lúc nghỉ tay, ngoài lúc ngồi nghe các đồng chí từ Hà Nội về báo cáo tình hình.

Dù vô cùng bận rộn, nhưng đến chiều 25/8, trước khi rời đi, đồng chí thượng cấp vẫn gọi ông Kha tới, nhắn mời mọi người trong gia đình để đồng chí gặp mặt. Ông Kha gọi ông nội, mẹ, anh trai và em gái về. Đồng chí thượng cấp đã thân mật cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình, chúc gia đình mạnh khỏe và hẹn có dịp sẽ về thăm lại.

Đến ngày 2/9/1945, khi có vinh dự được tham dự cuộc mít-tinh lịch sử ở Quảng trường Ba Đình, ông Kha cùng người nhà mới biết đồng chí thượng cấp đã về Phú Gia và ở trong gia đình mình chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, là Bác Hồ kính yêu… Lần thứ hai vào năm 1946, khi tới Phú Thượng và thăm lại gia đình cụ Nguyễn Thị An, không thấy ông nội ông Kha đâu, Bác liền hỏi thăm ngay và cho mời ông cụ về.

Nhìn thấy Bác, với sự xúc động mạnh và để tỏ lòng tôn kính, ông nội ông Kha chắp hai tay vái Bác. Thấy vậy, Bác tươi cười đỡ tay ngay và nói: “Không, không! Bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em, không còn như chế độ phong kiến thực dân trước đây nữa”…

Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ khi Người lưu lại ở đây. Những kỷ vật cùng kỷ niệm được gìn giữ tại nhà cụ Nguyễn Thị An chính là bằng chứng sinh động về lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9; về tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; về nghệ thuật lãnh đạo của Bác và Đảng; về công tác bảo vệ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng trong mọi hoàn cảnh dù công khai hay bí mật.

Ông Công Ngọc Dũng chia sẻ: Những năm gần đây, Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An đón hàng nghìn khách tham quan mỗi năm, nhất là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước.

Đặc biệt, có nhiều trường đã đưa học sinh tới đây để tìm hiểu thêm kiến thức lịch sử… Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Quận đã và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tu bổ, tôn tạo đối với di tích để nơi đây xứng đáng là “địa chỉ đỏ”, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, giản dị trong lối sống, mà còn là điểm đến mang lại tiềm năng về phát triển du lịch…