Thân thương lớp học tiếng Việt

Trong các cuộc trò chuyện với chúng tôi, lớp Việt kiều cao tuổi ở Thái-lan đều bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ mai một tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào. Vậy nhưng, tất cả các thầy, cô giáo ở đây đều bày tỏ quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng phải duy trì tiếng Việt cho các thế hệ người Thái gốc Việt trẻ.

Lớp học tiếng Việt của thầy Sáu ở tỉnh Nakhon Phanom.
Lớp học tiếng Việt của thầy Sáu ở tỉnh Nakhon Phanom.

Tất cả đều lo ngại rằng, sau khoảng 20 - 30 năm nữa, cộng đồng người Việt sẽ chỉ còn nói tiếng Thái với nhau. Và khi đã không còn nói được tiếng Việt, thì cũng không duy trì được bản sắc Việt nữa. Trước tình hình đó, tại nhiều tỉnh, các hội người Thái gốc Việt và nhiều cá nhân đã tích cực mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.

Nằm trên một con đường nhỏ ở trung tâm tỉnh lỵ Nakhon Phanom, lớp học tiếng Việt của thầy Trần Văn Sáu có hơn 20 học sinh, từ 6 đến 12 tuổi. Thầy Sáu cùng ba thầy, cô giáo khác phải cầm tay đưa từng nét bút, chỉ từng con chữ cho các em. Mặc dù ghép câu tiếng Việt còn khó khăn, nhưng Eda vẫn có thể trả lời chúng tôi: “Cháu tên Eda, năm nay 12 tuổi. Cháu rất thích học tiếng Việt. Ở nhà cháu không nói tiếng Việt. Cháu học tiếng Việt lâu rồi. Hai năm”. Giữa không gian tĩnh lặng buổi tối trên đất Thái, tiếng các em nhỏ ngọng nghịu đọc những con chữ tiếng Việt nghe thật thân thương.

Còn tại tỉnh Udon Thani, lớp học khang trang hơn và được đặt trong ngôi chùa Việt có tên chùa Khánh An. Trường có 14 giáo viên, hai người dạy lớp buổi sáng, còn 12 người dạy buổi tối. Học sinh trong trường không đồng đều về trình độ, có người chưa biết tiếng Việt phải vào lớp phụ học phát âm cho chuẩn, sau đó mới vào lớp cao hơn. Ngoài các học sinh nhỏ tuổi, lớp còn có các chị Việt kiều đã ngoài 30 theo học. Chị Phawida cho biết đã theo học tiếng Việt bốn tháng rồi. Chị muốn học để trò chuyện được với người từ Việt Nam sang. Còn với chị Vũ Thị Kim Nhung, thì việc theo học tiếng Việt chỉ bởi “mình là người Việt nên rất thích viết và đọc tiếng Việt”.

Tham gia giảng dạy tại các trường, lớp tiếng Việt phần lớn là các thầy, cô giáo Việt kiều. Ngoài ra, còn có một số tình nguyện viên người Việt tham gia trợ giảng. Các thầy, cô đều mang một tâm nguyện cao nhất, là giữ gìn tiếng Việt cho những lớp người Thái gốc Việt sau này. Trong các lớp học, các thầy, cô còn lồng ghép vào bài học những nội dung về văn hóa Việt cũng như các bài hát tiếng Việt.

Thầy Sáu cho biết, các em học sinh hiện nay ngoài việc học văn hóa ở trường Thái còn đi học thêm các môn ngoại khóa, bởi vậy không có nhiều thời gian dành cho tiếng Việt. Bên cạnh đó, ở nhà bố mẹ cũng không nói được tiếng Việt, nên các cháu gần như chỉ có cơ hội thực hành tiếng Việt khi đến lớp.

Thầy Sáu tâm sự: “Chúng ta thường nói “Tiếng Việt còn thì người Việt còn”. Do đó, Tổng hội Người Việt Nam toàn Thái cũng như Hội người Việt tỉnh Nakhon Phanom quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm phương hướng để các cháu biết tiếng Việt, hiểu ngôn ngữ Việt”.

Theo các thầy, cô giáo, cần tạo được một phong trào rộng khắp để tất cả các nơi có người Việt đều có lớp dạy tiếng Việt. Ngoài ra, phụ huynh trong các gia đình cũng cần học nói tiếng Việt. Thầy Sáu cho biết, Ban Chấp hành Tổng hội Người Việt Nam toàn Thái đã bàn bạc và quyết định sẽ tìm cách khuyến khích, thuyết phục thế hệ người Việt từ 50 tuổi trở xuống theo học tiếng Việt. Bởi nếu bố mẹ không biết tiếng Việt thì về nhà các cháu cũng không nói tiếng Việt. 

Ông Đào Trọng Lý, nguyên Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Nakhon Phanom  cho rằng: “Cần phải gây được phong trào học tiếng Việt ở các gia đình. Khi đã thành phong trào, nó sẽ như vết dầu loang lan tỏa khắp cộng đồng”. Còn theo ông Phan Chí Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái-lan, sắp tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái-lan sẽ phối hợp Tổng hội và các chi hội triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu kinh tế để bà con tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Việt, từ đó thúc đẩy phong trào học tiếng Việt.