Như một thực tế, chính những người dân rời quê hương, hiến đất cho thủy điện, lại có nguồn sáng sau cùng. Bà con bảo, ấy cũng là lẽ thường thôi, điều kiện khó, không phải cứ muốn là có điện. Đồng bào ta chưa bao giờ coi sự chuyển dời của mình là nỗi thua thiệt. Người bạn mới chỉ về hướng những nóc nhà sàn tỏa lan vầng khói: “Chị thấy không? Là “khau cút”, người đi xa theo đó mà về”. Khau cút, gọi nôm na là “sừng trăng”, biểu tượng đặt trên nóc nhà của người Thái đen gắn với ý nghĩa tín ngưỡng đặc biệt. Khu tái định cư này được Nhà nước đầu tư xây dựng với hàng trăm ngôi nhà sàn liền kề, nóc nhà “sừng trăng” vẫn ngự.
Tôi thường băng qua con dốc nối hai bản đồng bào Thái đen và Thái trắng và tới nhà Biêng xem phụ nữ trong nhà thêu khăn piêu. Mẹ cô ngoài 60 tuổi, không hiểu tiếng Kinh, nói chuyện bằng nụ cười và bàn tay ram ráp ấm nóng. Trong câu chuyện cùng tôi, Biêng luôn nói, những chiếc khăn cô thêu là dành cho con gái mình, trong đó có cả đứa con nhỏ bé xa xôi. Mẹ của Biêng có tới 14 đứa cháu, giờ bà vẫn miệt mài thêu khăn. Một người phụ nữ Thái đen nếu sinh ra con gái sẽ nghĩ ngay tới những chiếc khăn piêu nối nhau qua hết khoảnh rừng này tới con dốc nọ.
Không rõ ở vùng miền khác tục mang khăn piêu về nhà chồng còn giữ được không, riêng ở đây, truyền thống ấy vẫn đậm đà. Nguồn thu nhập chính của những phụ nữ như Biêng là làm thuê theo mùa vụ. Trước Tết, cô đi hái cam thuê. Biêng khoác trên vai tay nải bằng vải cũ, trong đựng cơm nếp, muối chẩm chéo để trưa nghỉ tay sẽ ăn. Tôi theo chân Biêng, đi xuyên qua những con đường mận đã nở trắng ngần ngật, che khuất từng mỏm đá nhọn sắc thâm trầm. Cũng con đường ấy, lúc trở về trong ánh chiều nhập nhoạng lại thẫm màu như nền chiếc khăn piêu.
Đêm chờ xuân thì chộn rộn lắm, mà Biêng cũng chẳng tính tháng, tính ngày. Trước lúc về xuôi, tôi hỏi cô, làm sao qua được những đêm dài và bên cạnh những mái đầu tằng cẩu, có khi nào cô thấy chông chênh? Cô cười với một đôi mắt ướt. Biêng nói, có thế nào thì rừng vẫn chở che. Và đất ấm.
Năm nay, hoa mận nở sớm hơn thì phải, sương cũng đỡ phần buốt giá. Khi nắng ấm cuồn cuộn bừng lên, cảm tưởng, cả mây, sương và nắng đều quánh đặc, cuộn tròn như những khối bông gòn xốp tơi, mềm mại. Cảm tưởng, từ đó, có thể rút ra những sợi bông xanh đỏ tím vàng mà dệt, mà thêu lên khăn piêu. Đẹp hơn cả, trong chính khung cảnh ấy, tôi gặp vạt khăn piêu rực rỡ, bay bay để lộ vùng thắt lưng mềm mại. Đâu phải ngẫu nhiên mà hai đầu khăn piêu là vuông thổ cẩm lấp loáng như núi, như mây, như những mái nhà và nỗi niềm. Đâu phải bỗng dưng có một vạt khăn piêu luôn ngự trên đỉnh đầu hướng về phía trước, vạt còn lại như suối đổ qua gáy, qua lưng và bần thần ở lại miền xa sâu dĩ vãng…