Lá gói bánh, ông dùng cả lá chuối kèm lá dong. Sáng 27 Tết, tôi giúp ông rửa lá thật sạch, xếp riêng lá dong, lá chuối tươi vào từng rổ sồng cho ráo nước. Cả năm không được ăn thịt mấy khi, vì nuôi lợn cũng là để cân nghĩa vụ cho huyện; đổi sang, lấy gạo thóc mậu dịch.
Thế nên hợp tác xã cho xuất lợn ở trại chia cho bà con ăn Tết. Cái chảo gang to đùng đặt giữa sân đất, cánh thiếu niên choai choai hào hứng thổi lửa, luộc thủ, đuôi, lòng lợn. Ở góc khác, mấy bác dao phay, dao rựa sáng loáng, pha thịt, chia đều cho từng nhà, xếp đều các phần trên lá chuối rải trên sân.
Thịt chia và thịt đụng lợn với hàng xóm, ông tính loại nấu đông, loại làm nhân bánh, cũng đủ cho cái Tết tùng tiệm mà không thiếu thức để dâng lễ vào Giao thừa và sáng mồng Một. Chiều ấy, mỡ lợn đã phải thái mỏng bay, rang nhỏ lửa, đổ nước mỡ ra ang, treo lên quang mây, để ăn dần vài tháng. Còn nồi thịt rim thơm phức với tiêu và nước mắm loại 1 mẹ mang từ Hà Nội về, ông bảo tôi mang sang biếu ông Kiểm cùng ngõ, vì ngày ấy, nước mắm thiếu đến nỗi, ai muốn ăn mắm, ra chợ mua ở hàng bà Đát, chuyên buôn mắm từ Hà Nội về. Bà pha ra, cho thêm muối, thêm thính… Chỉ nhà ai có con đi làm công nhân viên chức, thi thoảng con mang về biếu ông bà, mới có chai nước mắm thơm ngon, cất kỹ trên góc chạn tre, để dành.
Ông Kiểm chỉ thích ở một mình, thường nấu một bữa ăn hai… Tôi nhanh nhảu quét giúp ông mảnh sân trước nhà, đun siêu nước, cắm lại mấy bông hoa bằng giấy mầu xanh, đỏ đang bày trên mặt cái thùng gỗ đựng thóc. Ngày ấy, người ở quê không sắm hoa tươi như người thành phố. Đơn giản là hoa cúc đại đóa, hồng quế, huyết dụ, mộc, ngâu… ai cũng trồng vài ba cây trước sân, chỉ việc lựa hoa đẹp dâng lên ban thờ. Ai muốn bỏ ra vài hào mua hoa giấy xanh đỏ, mua thêm bức cuốn thư ở chợ thì mua. Nhưng thứ trông xù xì, mà không thể thiếu được, lại chính là củ nâu, để các cụ, các ông, bà nhuộm áo cũ thành áo mới diện Tết. Lũ học trò chúng tôi thích nhuộm mầu xanh tím than, xanh công nhân… thì xin bố mẹ 5 xu là có áo mới. Các bà, các chị nhuộm quần phin đen thì dúm cả vào một xâu, hết vài hào. Ôi, một thời đón Tết mà nhà nhà đều tính bánh chưng, áo mới, đồ lễ, chỉ bằng tiền xu, tiền hào, vài đồng… nhưng rộn rã tiếng cười, tiếng nói vui tươi, đầm ấm nghĩa tình trong họ, ngoài làng.
Chiều mồng Một, tôi được mẹ ở Hà Nội về thưởng cho vỏ áo bông in hoa hồng, xỏ vào ruột bông cũ, lũn tũn bên ông ngoại. Đồng 1 hào mới tinh, mầu hồng tươi, bà ngoại và mẹ mừng tuổi, sột soạt trong túi áo, tôi để dành, nuôi con lợn đất xinh xinh.
Những cái Tết vừa đánh giặc, vừa đón năm mới của ông bà, cha mẹ thời chống Mỹ, tưởng như bao gian khó, đèo dốc đã qua, rồi một ngày… đất nước lại một lần nữa trùng trùng điệp điệp những đoàn quân ngược lên phương bắc, xuôi về phương nam. Tết Kỷ Mùi (1979), thành phố lặng lẽ hơn trong giá rét buốt thon thót như kim châm. Nhà nào cũng tất bật mua mứt Tết, đường, vải phân phối ở bách hóa; mua cá, thịt ở cửa hàng thực phẩm… Tôi nhớ như in khoai tây năm ấy không chỉ để luộc ăn sáng, hoặc xào nấu suông thay rau, mà còn để làm mứt Tết. Nghe bọn trẻ mách, tôi đạp xe vù ra quầy rau xanh mà thương nghiệp bán ở chợ Mơ, xếp vào dây người rồng rắn… Mua được 5 kg theo quy định thì đã sẩm tối, tóc bết mồ hôi.
Tôi như đèn cù đi mua hàng theo tem phiếu. Chiều 26 Tết, chuẩn bị đi làm bánh quy gai ở lò gia công thì bác Lâm, một mình một bóng, nhưng thân thiết với mẹ tôi như chị em, sang nhà bảo: Ngoài ngõ Quỳnh có nhà mới mở lò làm bánh quy gai đấy. Cháu cho bác gửi bột mì, trứng, đường, làm luôn thể nhé. Bác sẽ thổi cơm cả hai nhà. Lại rổ rách, gạch, túi… xếp hàng. Mùi thơm của bánh phả trong hơi sương giá... Bấm bụng chờ đến lượt, xách được bánh về nhà đã 9 giờ tối.
Thương nhớ biết bao mỗi khi đi trên con đường về nơi chốn có tổ tiên, ông bà neo giữ hồn ta... Tình thương yêu, đùm bọc nhau khi thời gian vào cữ ngoài rằm tháng Chạp đang gõ nhịp, cho Tết nở hoa, ấm áp trong thời công nghệ số, đã và vẫn trường tồn.
Tôi mua hoa ở đầu Ô Chợ Dừa. Bó hoa có đủ một cành lay ơn, vài cành violet, thược dược tổ ong, đồng tiền đơn… cho cái Tết đơn sơ không thể thiếu hoa tươi. Ngày ấy, có chục bông lay ơn, hoặc hồng trà của làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm ngày Tết, quả là ước mơ xa vời…