Thái Nguyên tập trung khôi phục chăn nuôi sau lũ

NDO - Nước lũ lên nhanh, dâng cao, trên diện rộng, làm ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị thiệt hại lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, lợn, gia cầm, thủy cầm bị cuốn trôi là khoảng 302 nghìn con; vật tư chăn nuôi, chuồng trại hư hỏng, thiệt hại ước tính là gần 35 tỷ đồng; 865ha thủy sản bị ngập, thiệt hại hơn 32 tỷ đồng. Sau lũ, ngành nông nghiệp và nông dân toàn tỉnh đang nỗ lực khôi phục chăn nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
Trong đợt lũ vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có hơn 700 con lợn bị chết, lũ cuốn trôi.
Trong đợt lũ vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có hơn 700 con lợn bị chết, lũ cuốn trôi.

Trong trận lũ lớn vừa qua, các công ty chăn nuôi lợn, gà lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, như Công ty trách nhiệm hữu hạn Dũng Minh, Công ty cổ phần Chăn nuôi cổ phần Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Ivest Feedmill Việt Nam có gần 22 nghìn con gia cầm, lợn bị chết. Sau khi nước rút, các doanh nghiệp này đã vệ sinh môi trường, khử khuẩn trang trại, tái đàn.

Khó khăn nhất là các hợp tác xã, hộ chăn nuôi trang trại ở những vùng trũng thấp nên số lượng gia cầm, thủy cầm bị lũ cuốn trôi rất lớn; cùng với đó là vật tư chăn nuôi bị cuốn trôi, ngập nước, chuồng trại hư hỏng, trong đó có nhiều hợp tác xã, hộ gia đình chưa thể khôi phục, tái đàn trong trước mắt.

Diện tích nuôi trồng thủy sản là ao, hồ, khi mưa lớn, lũ ngập, không có cách nào bảo vệ, gần như mất trắng. Tái nuôi trở lại cũng đang gặp khó khăn về vốn, con giống, tới đây là mùa đông, nước khan hiếm nên phải chờ đến mùa xuân mới có thể thả nuôi.

Căn cứ vào tình hình thiệt hại, các quy định của pháp luật về hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, khả năng cân đối của ngân sách và các nguồn lực hỗ trợ khác, trên cơ sở thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Văn bản số 4078/BC-SNN đề xuất tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã hơn 32,5 tỷ đồng để khôi phục chăn nuôi, thủy sản.

Để khôi phục, phát triển chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đề nghị các địa phương, nông dân thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, các khu vực bị ngập lụt để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, tự ý chữa trị, không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Vũ Đức Hảo cho biết: Nông dân, các hợp tác xã cần tích cực phối hợp với lực lượng khuyến nông, thú y cơ sở để được hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp đối với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.

Tại các vùng bị ngập, lụt, sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn tổ chức tổng vệ sinh, thu gom phân, rác để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp bởi những cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định để tái đàn. Không tái đàn khi chưa bảo đảm về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Người chăn nuôi rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt II/2024, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng..., bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng vaccine.