Thái Nguyên: Nan giải khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ

Lũ lụt lịch sử đi qua, để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tổng diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập lên đến hơn 8.000ha, phần lớn là mất trắng; hơn 300 nghìn con gia súc, gia cầm, gần 900ha thủy sản bị ngập. Việc khôi phục đang trở nên nan giải, nhiều nơi người dân “bó tay” chờ sản xuất vụ sau.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng rau Túc Duyên ở thành phố Thái Nguyên vốn trù phú, sau lũ bị san phẳng.
Vùng rau Túc Duyên ở thành phố Thái Nguyên vốn trù phú, sau lũ bị san phẳng.

Những ngày lũ lụt vừa qua, hơn 40 hộ gia đình ở khu vực Kha Nhi thuộc xóm Mai Kha, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bị lũ cô lập, cả hai tuyến đường ra trung tâm xã bị ngập sâu, như một ốc đảo. Đặc biệt, gần như toàn bộ diện tích lúa mùa của người dân bị “xóa sổ”.

Anh Dương Văn Lợi ở khu vực Kha Nhi trầm ngâm: “Từ đầu mùa mưa bão năm nay, toàn bộ diện tích lúa của người dân đã bị lũ lụt ngập ba lần, lần lũ đầu tiên làm diện tích lúa trũng thấp bị thối, phải cấy lại; lần hai lũ tràn qua nên không thiệt hại gì; đặc biệt là trận lũ nửa đầu tháng 9/2024 lúa ở các cánh đồng ngập sâu, lâu ngày làm toàn bộ diện tích lúa đổ rạp, rủ và thối hết. Hằng ngày ra đồng ngửi mùi thối của lúa chết mà thấy xót xa”.

Về phương án khôi phục sản xuất, anh Dương Văn Lợi chia sẻ, cả làng đang “bó tay” vì đồng đất Kha Nhi trũng thấp, giờ nhỡ vụ lúa không cấy lại được, không thể trồng được loại cây màu nào. Rồi đây cả làng sẽ thiếu đói...

Ngược lên các vựa rau màu bên sông Cầu ở vùng ven thành phố Thái Nguyên, những ruộng rau vốn xanh tốt gối vụ, mùa nào thức nấy, sau lũ đồng đất gần như bị san phẳng bởi bùn đất, rác ngập ngụa, trơ lại những khung nhà lưới, nhà kính.

Anh Nguyễn Ngọc Dương ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên đang bị bệnh nan y, gia đình có tám sào lúa và hoa màu bị thối hết do ngập trong lũ lâu ngày, tài sản không có gì ngoài bộ bàn ghế uống nước đã cũ. Anh Dương chia sẻ: “Ốm đau, lũ kinh hoàng quét qua mặt đất, toàn bộ lúa và rau của tôi và bà con trong xóm gần như 'xóa sổ', không biết bao giờ mới hồi phục lại, tới đây không biết sống bằng gì”.

Theo Trưởng xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn Nguyễn Văn Thắng, xóm cạnh sông Cầu, người dân chủ yếu sống bằng chăn nuôi lợn, trồng rau và cấy lúa. Lũ lụt dâng lên quá nhanh, lại trong đêm tối làm cho người dân không kịp trở tay, lợn, gà, tài sản của nhiều gia đình bị lũ cuốn đi, cái còn lại thì bị ngập sâu; lúa và rau màu ngoài đồng sau lũ gần như không vớt vát được gì. Xóm đang thống kê lại, có lẽ tới đây lên danh sách đề nghị cấp trên trợ cấp gạo cho dân.

Thiệt hại đối với lúa, hoa màu, chăn nuôi lợn, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất lớn, nhưng ở nhiều nơi, việc khôi phục là rất nan giải, chờ đến sau Tết Nguyên đán tới đây cấy vụ lúa sau, từ giờ đến khi được thu hoạch là rất dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Ở những nơi có thể khắc phục được, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên hướng dẫn nông dân tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng cho lúa, không để ngập kéo dài, gây thiệt hại; đồng thời đôn đốc bà con nông dân tập trung thu hoạch đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, ở những nơi đất ẩm, bà con cần đẩy mạnh gieo trồng, càng sớm càng tốt các loại cây vụ đông như ngô, đậu tương, ớt, dưa, bí các loại. Với những diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trỗ, nông dân cần đẩy mạnh chăm bón để lúa phục hồi; rau màu bị thiệt hại nhẹ cũng cần chủ động chăm bón để cây sinh trưởng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Vũ Đức Hảo khuyến cáo: Những diện tích không có khả năng phục hồi, bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm đất để gieo trồng các loại rau ngắn ngày, ưa nước cung cấp cho thị trường khi giáp vụ.

Tại các vùng chuyên trồng rau màu, nông dân cần khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Khi đất khô ráo, cần vun xới kịp thời để tạo độ thoáng cho đất để gieo trồng rau màu, tích cực chăm sóc để cây phát triển nhanh, sớm cho thu hoạch, thu nhập, đáp ứng nhu cầu của xã hội thời gian tới.

Người chăn nuôi mong muốn, tỉnh sớm có giải pháp hỗ trợ khôi phục chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy sản để phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.