Thái Nguyên: Nhiều địa phương gặp khó trong triển khai dự án phát triển giáo dục nghề vùng nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lúng túng, không thể thực hiện được Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề vùng nghèo, vùng khó khăn. Trong khi đó, kinh phí hằng năm vẫn được cấp về mà không thể triển khai được.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có nhu cầu học nghề may, nhưng Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 không thể hỗ trợ được.
Người dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có nhu cầu học nghề may, nhưng Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 không thể hỗ trợ được.

Từ năm 2021 đến năm 2024, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên được cấp hơn 1,7 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhưng không thể triển khai được, giải ngân là 0 đồng.

Giải thích về việc này, cán bộ chuyên trách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình Nguyễn Thị Khoa, cho biết, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, Phú Bình không phải là huyện nghèo nên diện hộ cần được hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp còn rất ít.

Qua rà soát, thống kê trên địa bàn huyện, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp nằm trong diện được hỗ trợ thì không có nhu cầu về giáo dục nghề nữa, vì người trong độ tuổi thì đang có việc làm, số khác không có khả năng lao động. Do đó, huyện Phú Bình đề nghị điều chỉnh nguồn vốn đã phân bổ để tránh tồn đọng lãng phí.

Đồng Hỷ là huyện miền núi thuộc tỉnh Thái Nguyên, dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số, từ năm 2021 đến nay được phân giao hơn 1,7 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề vùng nghèo, vùng khó khăn, nhưng cũng không triển khai được.

Theo bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương không rõ, không cụ thể, không có tiêu chí xác định thế nào là vùng nghèo, vùng khó khăn nên địa phương không dám triển khai. Để tránh tồn đọng nguồn lực, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ đề nghị chuyển trả số tiền này cho ngân sách.

Tương tự như vậy, do phạm vi người dân được hưởng chính sách giảm, hướng dẫn không rõ ràng nên ngày 26/7/2024, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ có Văn bản số 382/LĐTBXH-GN đề nghị chuyển trả ngân sách tổng số hơn 1,3 tỷ đồng do không triển khai được Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3; Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đang trong tình trạng tương tự. Qua đó cho thấy, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục xem xét, rà soát thực tiễn để có hướng dẫn cụ thể, ban hành chính sách rõ ràng, dễ thực hiện; hoặc nơi nào không còn diện được thụ hưởng chính sách thì không phân bổ vốn để tránh tồn đọng, lãng phí nguồn lực đầu tư.