Thái Nguyên cần khẩn trương hoàn thành đường vành đai 5

NDO - Tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn Thái Nguyên, kết nối quốc lộ 37 với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và quốc lộ 3, được tỉnh Thái Nguyên xác định là công trình trọng điểm nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, giảm tải cho quốc lộ 37. Tuy nhiên, việc hoàn thiện tuyến đường đang gặp khó khăn, giảm ý nghĩa của đoạn đã đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng đoạn 2km đường vành đai 5 đang gặp khó khăn vì thiếu vốn.
Xây dựng đoạn 2km đường vành đai 5 đang gặp khó khăn vì thiếu vốn.

Tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài gần 10km, rộng 35m, được chia làm hai đoạn, đoạn 1 từ nút giao Yên Bình trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đến cầu Xuân Phương (huyện Phú Bình) có tổng mức đầu tư gần một nghìn tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh Thái Nguyên đầu tư), Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đến nay cơ bản hoàn thành.

Đoạn 2 từ cầu Xuân Phương nối với quốc lộ 37, dài 2km, tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng từ đầu năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thi công đoạn này đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ đang là thách thức lớn.

Dự án được chia làm hai gói thầu, được thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói, trong khi giá nguyên, nhiên liệu, nhân công tăng cao; mặt khác đến nay nhà thầu chưa được ứng vốn, nguyên nhân là do huyện Phú Bình chưa thu được ngân sách. Đại diện Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Việt Cường, nhà thầu thi công tuyến đường cho biết, số vốn đầu tư của đoạn đường rất lớn, chưa được ứng vốn, trong giai đoạn khó khăn này chúng tôi không thể có nguồn lực để ứng vốn ra để thi công.

Thái Nguyên cần khẩn trương hoàn thành đường vành đai 5 ảnh 1

Lượng công nhân đi lại trên quốc lộ 37 rất đông vì đường vành đai 5 chậm được hoàn thiện.

Nguồn lực để thi công tuyến đường dựa vào kết quả vào thu ngân sách huyện Phú Bình, cụ thể là thu tiền sử dụng đất từ các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn huyện. Năm 2022, huyện Phú Bình đề ra chỉ tiêu và được giao thu ngân sách một nghìn tỷ đồng, gấp hàng chục lần so với năm 2021 nhưng kết quả sáu tháng đầu năm mới đạt khoảng 10%, thu tiền sử dụng đất từ các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, chưa có vốn cho việc xây dựng tuyến đường vành đai 5.

Đoạn đường vành đai 5 do huyện Phú Bình làm chủ đầu tư đang được làm nền nhưng những ngày gần đây, thưa vắng nhân công và xe máy trên công trường, vì nhà thầu thi công cầm chừng để chờ vốn. Trong khi đó, đoạn từ cầu Xuân Phương sang nút giao Yên Bình đã được xây dựng hoàn thành, đường rộng thênh thang, vắng người và phương tiện qua lại, nguyên nhân là do chưa kết nối được với quốc lộ 37.

Quốc lộ 37 qua huyện Phú Bình hiện nay nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện qua lại đang quá tải. Hằng ngày, dòng người từ Phú Bình sang Khu Công nghiệp Điềm Thuỵ, Yên Bình làm việc và trở về đông nườm nượp, tiềm ẩn tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu đường vành đai 5 hoàn thành sẽ giảm tải cho quốc lộ 37.

Mặt khác, đường vành đai 5 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa kết nối quốc lộ 37 với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, kéo theo các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị hai bên đường và vùng phụ cận đã được quy hoạch sẽ chậm được triển khai. Không chỉ hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư cho vành đai 5 chậm phát huy tác dụng mà cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên có thể sẽ bị bỏ lỡ.

Tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Bình cần sớm tháo gỡ khó khăn để hoàn thiện đoạn còn lại của đường vành đai 5 đúng tiến độ, tránh kéo dài nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, giảm tải cho quốc lộ 37 và phát huy nguồn lực đã đầu tư đoạn đã hoàn thành.