Thái Lan nỗ lực thúc đẩy xu hướng du lịch bền vững

NDO - Trong thời gian qua, Thái Lan nỗ lực triển khai nhiều chiến lược và biện pháp để thúc đẩy ngành du lịch trở nên có trách nhiệm và bền vững hơn, không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mà còn giúp bảo tồn cảnh quan môi trường, thiên nhiên cũng như duy trì lối sống truyền thống của người dân địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn du khách nhuộm vải bằng phẩm mầu tự nhiên.
Hướng dẫn du khách nhuộm vải bằng phẩm mầu tự nhiên.

Từ nhiều năm qua, nhằm đối phó với những thách thức ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực lồng ghép các vấn đề và chính sách chống biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Là một ngành có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan, ngành du lịch cũng không đứng ngoài cuộc.

Cùng với những nỗ lực khôi phục sau đại dịch, du lịch Thái Lan đang thúc đẩy khái niệm du lịch bền vững nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, phấn đấu đạt được những cam kết mà Chính phủ Thái Lan đã đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên hợp (COP26) được tổ chức năm 2021. Theo đó, Thái Lan sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm phát thải khí nhà kính (GHG) về 0 vào năm 2065.

Trong thời gian qua, ngành du lịch Thái Lan đã triển khai nhiều chiến lược và biện pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững này. Một trong số đó có thể kể đến mô hình du lịch “Điểm đến Carbon thấp”, lần đầu tiên được áp dụng tại đảo Koh Mak ở tỉnh Trat.

Nằm trong vịnh Thái Lan, cách đất liền khoảng 38km, Koh Mak là hòn đảo lớn thứ ba ở tỉnh Trat, sau đảo Koh Chang và Koh Kut. Mặc dù không nổi tiếng đối với du khách như Koh Chang, nhưng đảo Koh Mak có vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy, nét duyên dáng hoang sơ và cộng đồng dân cư vẫn chủ yếu làm nghề trồng cao su, trái cây và đánh cá.

Tên Mak của hòn đảo được cho là có nguồn gốc từ “mak phrao” (trong tiếng Thái có nghĩa là cây dừa). Trước đây, dừa được trồng bạt ngàn trên đảo và đến nay loại cây này vẫn là một trong những loại cây cây mang lại thu nhập cao cho người dân trên đảo. Chung quanh đảo có rất nhiều rặng san hô đẹp, nước trong và các bãi biển cát trắng.

Bắt đầu đón tiếp những khách du lịch đầu tiên từ năm 1974, càng ngày lượng khách du lịch tới thăm đảo Koh Mak càng nhiều lên. Và tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng của hòn đảo, môi trường sinh thái và lối sống của người dân trên đảo cũng càng phải chịu nhiều tác động tiêu cực.

Để đối phó những nguy cơ này, từ 10 năm trước, Cơ quan quản lý các khu vực chỉ định Du lịch bền vững (DASTA) đã bắt đầu áp dụng khái niệm du lịch “Điểm đến Carbon thấp” để thúc đẩy và hỗ trợ các bên trong cộng đồng và địa phương phát triển một nền du lịch bền vững. Với sự hợp tác tích cực của cộng đồng dân cư địa phương trên đảo, ngày 25/9/2012, Tuyên bố về Điểm đến Carbon thấp Koh Mak đã được ký kết nhằm hợp tác đưa Koh Mak trở thành một hình mẫu về du lịch thân thiện với môi trường.

Với việc áp dụng mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG), hòn đảo này sẽ trở thành một điểm đến du lịch vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân nhưng vẫn được quản lý tốt, bảo đảm môi trường sạch đẹp và duy trì lối sống truyền thống của người dân địa phương.

Năm 2022, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã công bố chiến dịch quốc gia nhằm thúc đẩy Koh Mak trở thành một hình mẫu du lịch bền vững, không chỉ là một “Điểm đến Carbon thấp” mà còn là một mô hình kinh tế tuần hoàn vận dụng các sáng kiến đổi mới để triển khai và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động này.

Với việc áp dụng mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG), hòn đảo này sẽ trở thành một điểm đến du lịch vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân nhưng vẫn được quản lý tốt, bảo đảm môi trường sạch đẹp và duy trì lối sống truyền thống của người dân địa phương.

Thái Lan nỗ lực thúc đẩy xu hướng du lịch bền vững ảnh 3
Bà Panupan Suvachananonda, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tỉnh Trat.

Bà Panupan Suvachananonda, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tỉnh Trat khẳng định: “Koh Mak là một điểm đến có tiềm năng thu hút những du khách chất lượng, những người muốn tìm kiếm các địa điểm du lịch thanh bình và yên tĩnh”.

Bà cho biết, mặc dù trên đảo không có các điểm giải trí sôi động như quán bar, karaoke nhưng đến với Koh Mak, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động thân thiện với môi trường như trồng san hô, chèo thuyền kayak hoặc lặn biển quanh đảo. Du khách cũng có thể tham gia khóa học nhuộm vải bằng phương pháp sử dụng các vật liệu thiên nhiên của người dân địa phương và thưởng thức các món ăn đặc sắc từ rau quả hữu cơ, hải sản địa phương. Du khách còn được khuyến khích sử dụng xe đạp và xe điện để đi lại trên đảo, giảm thiểu việc sử dụng các hộp đựng bằng xốp hoặc các vật liệu có thể làm tăng ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, đảo Koh Mak cũng đã áp dụng phân loại rác thải từ các hoạt động du lịch và đổi mới quy trình xử lý từ đó cải thiện hiệu quả của việc xử lý và tái chế rác thải với sự hỗ trợ và hợp tác từ tất cả các bên trên đảo. Người dân trên đảo cũng được khuyến khích sử dụng năng lượng và nước hiệu quả và bảo tồn cách sống trong cộng đồng dân cư.

Với những nỗ lực của chính quyền và người dân trên đảo, năm 2023, Koh Mak đã giành giải thưởng về Câu chuyện Điểm đến Xanh tại Hội chợ ITB Berlin 2023, hội chợ du lịch lớn nhất thế giới.

Đánh giá về thành công trong việc phát triển du lịch bền vững ở Koh Mak, Tổng cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn nói: “Hướng đi của Koh Mak trở thành “Điểm đến Carbon thấp” đầu tiên rất phù hợp với định hướng của Thái Lan trong việc thúc đẩy ngành du lịch trở nên có trách nhiệm và bền vững hơn thông qua chiến dịch “Du lịch Thái Lan năm 2022-2023: Những chương mới tuyệt vời”, và Mô hình Kinh tế BCG của Chính phủ Thái Lan. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến một nỗ lực thực sự nhằm bảo tồn các điểm tham quan thiên nhiên và văn hóa, đã giúp hòn đảo trở nên quyến rũ như vậy”.

Thái Lan nỗ lực thúc đẩy xu hướng du lịch bền vững ảnh 5

Du khách trải nghiệm lặn biển quanh đảo Koh Mak.

Ngoài các nỗ lực phát triển du lịch “Điểm đến Carbon thấp”, ngành du lịch Thái Lan còn triển khai nhiều biện pháp nhằm duy trì chất lượng của các điểm du lịch thiên nhiên như đóng cửa một số địa điểm trong các khoảng thời gian có nguy cơ cao, thay đổi lịch trình du lịch tương ứng với mô hình theo mùa và sử dụng dự báo thời tiết để lập kế hoạch sắp xếp các hoạt động du lịch khác nhau, như ẩm thực, y tế và chăm sóc sức khỏe hay các sự kiện văn hóa.

Thí dụ, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm, các địa điểm du lịch ngoài đảo sẽ bị đóng cửa để giảm nguy cơ từ các cơn bão. Các thác nước và hang động ở miền Bắc và Đông Bắc cũng sẽ được đóng cửa trong mùa mưa để tránh nguy cơ lũ quét và sạt lở. Biện pháp này đã giúp tạo thuận lợi cho các nỗ lực bảo tồn bởi nó giúp thiên nhiên tự hồi phục trong thời kỳ đóng cửa.

Chính phủ Thái Lan cũng đã thiết lập một chính sách để quản lý các vườn quốc gia và địa điểm du lịch thiên nhiên vì sự bền vững và bảo vệ môi trường, với sự tham dự của nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đồng thời, nó cũng tạo ra một cú huých lớn cho ngành du lịch carbon thấp hướng tới phát triển bền vững, trở thành hướng đi mới của ngành du lịch Thái Lan.