Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2022, thành phố đã phối hợp World Bank thành lập nhóm công tác chung giữa hai bên về sự phát triển toàn diện, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm công tác chung này có tám nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng tám đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố, trong đó có nhóm phát thải carbon thấp.
Mục tiêu của các nhóm phát thải carbon thấp là xây dựng kế hoạch đưa Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị carbon thấp, bao gồm các khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đề xuất chương trình đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow (Scotland) tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này của Việt Nam được thế giới đánh giá cao trong đi đầu về hành động chống biến đổi khí hậu.
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu giảm 10% khí phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp; con số này sẽ lên 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Triển khai kế hoạch này, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn, đồng thời, triển khai hệ thống giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành.
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có 140 cơ sở lớn nằm trong danh sách thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong bốn lĩnh vực: Công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường. Trong đó, có những doanh nghiệp như: Công ty TNHH Điện tử Samsung; Tổng công ty Việt Thắng; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Trung tâm thương mại Saigon Centre; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước… Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang triển khai các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.
Cùng với việc quản lý phát thải khí carbon trong sản xuất, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính; xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành và lĩnh vực…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, giảm phát thải và tạo nguồn lực tài chính trung hạn từ tiết kiệm chi phí không chỉ là nhiệm vụ của bất kỳ đơn vị riêng lẻ nào. Nhóm phát thải carbon thấp đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích và phương pháp tiếp cận nhằm ưu tiên các hoạt động có tác động cao nhất với chi phí hiệu quả nhất có thể. Phương thức và lộ trình kế hoạch của nhóm phát thải carbon thấp thực hiện theo từng dự án. Từ đó, đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành Trung ương, tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ World Bank và các đối tác khác để triển khai kế hoạch thành phố carbon thấp.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải carbon là mục tiêu đã được thành phố triển khai trong nhiều năm qua với các giải pháp hạn chế phát thải trong khu công nghiệp, giao thông vận tải; sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch; hướng tới tiêu dùng bền vững, tái chế rác thải. Dù nỗ lực thực hiện nhưng vẫn gặp không ít thách thức với đô thị hơn 10 triệu dân với các nhà hàng, khách sạn gây phát thải carbon mọc lên ngày càng nhiều.
“Khi thành phố phối hợp World Bank triển khai các dự án, mục tiêu phát thải carbon thấp sẽ được đánh giá, nghiệm thu thông qua các chỉ tiêu khoa học cụ thể qua từng giai đoạn. Điều này góp phần giúp thành phố hướng đến nền kinh tế carbon thấp trong thời gian tới”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hải tin tưởng.