Chiến dịch được tiến hành trong thời gian 120 ngày trên phạm vi toàn bộ 77 tỉnh thành của Thái Lan, nhưng mới đây được rút ngắn xuống còn 24 ngày với sự tham gia của các lực lượng chức năng Thái Lan là Cục Xuất nhập cảnh, Bộ tư lệnh Cảnh sát Du lịch, Cơ quan Phòng chống buôn người, Bộ chỉ Huy an ninh nội địa và Bộ Lao động.
Các kết quả công bố chiến dịch từ ngày 5 đến 28/5 cho thấy, các lực lượng chức năng Thái Lan đã kiểm tra 6.217 cơ sở có lao động nước ngoài làm việc, phần lớn là các khu chợ trời, các khu trọ lớn, các cơ sở sản xuất, các trại lán công nhân xây dựng và phát hiện 203 cơ sở có vi phạm pháp luật.
Qua kiểm tra 78.498 lao động người nước ngoài, đông nhất là lao động Myanmar với 58.868 người, đứng thứ hai là lao động Campuchia và thứ ba là lao động Lào, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 80.000 lao động bất hợp pháp và xử lý theo pháp luật với nguyên tắc không có ngoại lệ.
Việc xử lý được tiến hành đối với cả lao động người nước ngoài bất hợp pháp và chủ sử dụng lao động, trong đó đã đưa ra truy tố 534 lao động nước ngoài với hình thức phạt tiền và tuyên án tù. Chủ lao động có lao động nước ngoài vi phạm pháp luật trong chiến dịch cũng bị các cơ quan hữu quan Thái Lan truy tố theo khung quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Lao động Pipat Ratchakitprakarn mới đây thông báo, lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc lao động không đúng ngành nghề được cấp phép sẽ bị phạt từ 5.000 đến 50.000 baht đồng thời bị trục xuất về nước. Trong vòng 2 năm sau khi hoàn thành án phạt, lao động nước ngoài không được cấp phép lao động lại tại Thái Lan.
Chủ lao động liên quan lao động nước ngoài vi phạm pháp luật Thái Lan sẽ bị phạt từ 10.000 đến 100 nghìn baht đối với mỗi trường hợp lao động vi phạm. Chủ sử dụng lao động tái vi phạm pháp luật về thuê lao động nước ngoài bất hợp pháp có thể bị đối mặt án không quá một năm tù hoặc phạt từ 50.000 đến 200.000 baht với mỗi trường hợp lao động nước ngoài bất hợp pháp. Luật mới cũng cấm thuê ngoại kiều làm việc trong thời hạn 3 năm.
Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền, gặp gỡ hướng dẫn qua các hình thức khác nhau về việc thuê lao động nước ngoài làm việc, đặc biệt là cho phép chủ lao động có thể gia hạn thời hạn của lao động nước ngoài qua website, tuy nhiên, nhằm giảm chi phí đầu vào, một số chủ lao động tại Thái Lan đã không thực hiện khi lao động nước ngoài hết thời hạn được cấp phép lao động.
Thái Lan siết chặt quản lý lao động người nước ngoài
Liên quan đến việc quản lý lao động người nước ngoài tại Thái Lan, trong đó tạo điều kiện để các chủ lao động gia hạn thời hạn làm việc của lao động nước ngoài được dễ dàng hơn, mới đây, hôm 5/6, Hội nghị Ủy ban chính sách dịch vụ việc làm cho ngoại kiều đã cho phép mở đăng ký và gia hạn thêm thời hạn làm việc với người lao động của 4 quốc gia là Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.
Thái Lan cũng sẵn sàng gia hạn thời hạn lao động thêm 2 năm cho lao động nước ngoài do nước này đang thiếu nhân lực trầm trọng và bản thân rất nhiều lao động đơn giản tại Thái Lan đã tham gia các chương trình xuất khẩu lao động nước ngoài vì có thu nhập cao do Bộ Lao động Thái Lan tổ chức.
Thái Lan cũng đang đẩy mạnh xem xét cải thiện điều kiện làm việc của lao động nước ngoài nhập cư theo mùa bằng cách tăng số lượng địa phương mà lao động được quyền tạm trú theo quy định của Bộ Nội vụ và bổ sung loại hình công việc được làm, nhất là đối với lao động nhập cư theo mùa nhằm tạo điều kiện thu hút lao động của các nước gần Thái Lan đến nước này làm việc.