Tiếp quản “ghế nóng” Thủ tướng từ ông Gabriel Attal, người từng là Thủ tướng trẻ nhất của nước Pháp, ông Michel Barnier cam kết sẽ làm việc với tất cả những ai có thiện chí nhằm hướng đến sự tôn trọng và đoàn kết hơn tại “một đất nước đang bị chia rẽ chính trị” sau nhiều tháng bất ổn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng trong nỗ lực chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7 vừa qua. Ông Michel Barnier từng giữ nhiều chức vụ bộ trưởng khác nhau tại Pháp và đã hai lần giữ chức vụ Ủy viên châu Âu.
Nhận xét về chính trị gia kỳ cựu của nước Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định rằng, ông Michel Barnier luôn quan tâm đến lợi ích của châu Âu và nước Pháp. Giới chức Đức, Italia cũng chúc mừng ông Michel Barnier được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp. Theo Politico, nghị sĩ châu Âu Stephanie Yon-Courtin tin tưởng rằng ông Barnier, với kinh nghiệm đàm phán, có thể giúp Pháp điều chỉnh chính sách chi tiêu phù hợp với quy tắc của Liên minh châu Âu (EU). Nghị sĩ Stephanie Yon-Courtin nêu rõ, ông Barnier biết rõ mọi ngóc ngách của cỗ máy châu Âu.
Dù được đánh giá cao về kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo, vị thủ tướng mới của Pháp sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó có kiểm soát vấn đề nợ công, vốn đã lên tới mức 110,6% GDP vào năm 2023. Ông Michel Barnier sẽ phải nhanh chóng đàm phán với EU về vấn đề ngân sách, xây dựng một kế hoạch chi tiêu chặt chẽ để tránh các khoản phạt từ khối này. Thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2023 vượt quá ngưỡng 3% GDP theo yêu cầu của EU, đạt mức 5,5%. Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp của Pháp vào đầu tháng 9/2024, Bộ Tài chính Pháp dự báo thâm hụt ngân sách của nước này có thể tăng cao bất ngờ trong năm nay và năm tới nếu không tìm được khoản tiết kiệm chi tiêu bổ sung.
Giới chuyên gia cho rằng, tân Thủ tướng Pháp sẽ tận dụng kinh nghiệm hoạt động chính trị tại EU để đạt được sự linh hoạt từ khối này trong vấn đề ngân sách. Mới đây, Bộ Tài chính Pháp yêu cầu EC gia hạn thời hạn nộp đệ trình kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách nhằm “bảo đảm tính nhất quán của kế hoạch và dự thảo ngân sách năm 2025”. Sự thiếu hụt về tài chính đồng nghĩa rằng Chính phủ Pháp có thể phải lựa chọn giữa việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và việc mất uy tín với các đối tác EU.
Tiếp quản một nền kinh tế tăng trưởng ảm đạm do ảnh hưởng của các cuộc xung đột tại Ukraine, Gaza, sự gián đoạn hoạt động vận tải qua Biển Đỏ... không phải là vấn đề duy nhất mà chính phủ mới của Pháp phải đối mặt. Chính phủ Pháp còn đứng trước áp lực từ các đảng chính trị trong nước. Chính phủ sẽ phải đưa ra một kế hoạch ngân sách phù hợp và có thể thuyết phục Quốc hội, vốn đang chia rẽ sâu sắc, để tránh nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đây là một điều khó khăn bởi các phe cánh tả và hữu phản đối việc cắt giảm chi tiêu công. Gần đây, người dân đã xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của các đảng cánh tả, phản đối quyết định bổ nhiệm thủ tướng của Tổng thống Emmanuel Macron và cho rằng ông Macron không tôn trọng kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 7/2024. Thực tế này phản ánh tình trạng chính trị bất ổn, khiến nhiệm vụ đoàn kết đất nước của chính phủ mới càng thêm gian nan.
Cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 52% số người Pháp được hỏi bày tỏ hài lòng với việc ông Michel Barnier trở thành Thủ tướng. Từng tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị cam go, trong đó có vai trò Trưởng đoàn đàm phán của EU về tiến trình Brexit, vị tân Thủ tướng Pháp được trông đợi sẽ có những bước đi hiệu quả, linh hoạt, góp phần giải quyết tình trạng rối ren hiện nay của đất nước.