Nước Pháp bước vào cuộc bỏ phiếu lịch sử

NDO - Từ 8 giờ sáng 30/6, cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội vòng 1. Theo Bộ Nội vụ Pháp, tỷ lệ đi bầu lên tới 25,90% vào trưa cùng ngày, cao hơn nhiều so với năm 2022 (18,43%) và các lần trước. Tỷ lệ đi bầu ở mức rất cao như dự báo trong bối cảnh rất đáng lo ngại rằng đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia (RN) có thể giành được đa số phiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Cử tri đi bỏ phiếu ở thành phố Joinville-le-Pont, ngoại ô Paris. (Ảnh: MINH DUY)
Cử tri đi bỏ phiếu ở thành phố Joinville-le-Pont, ngoại ô Paris. (Ảnh: MINH DUY)

Ngày 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ giải tán Quốc hội, cho tổ chức bầu cử trước thời hạn. Nhiều nhà quan sát cho rằng là một nước cờ "đầy mạo hiểm" khi các ứng viên chỉ có 3 tuần để để vận tranh cử và thuyết phục cử tri.

Đây là một cuộc bỏ phiếu "lịch sử" vì lần đầu tiên dưới nền Cộng hòa V, liên minh đảng cầm quyền cũng như phe cánh tả và cánh hữu được dự báo không đủ khả năng để ngăn chặn đảng cựu hữu RN giành được đa số phiếu. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, RN đã giành được 31,5% phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với liên minh đảng cầm quyền (15,2%).

Tại vòng một có 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 vào năm 2022. Nguyên nhân là do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội vừa giải tán không có thời gian để tìm chọn ứng cử viên.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, có trên 2,6 triệu cử tri Pháp ủy quyền cho một người khác để đi bầu 577 nghị sĩ cho Quốc hội mới. Tỷ lệ tham gia bầu cử Quốc hội tại cả vòng 1 lẫn vòng 2 có khả năng sẽ rất cao.

Nước Pháp bước vào cuộc bỏ phiếu lịch sử ảnh 1

Tỷ lệ đi bỏ phiếu vòng 1, tính tới trưa cùng ngày, trong các lần bầu cử từ năm 2002 đến 2024. (Sơ đồ: Le Parisien)

Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy đảng cực hữu RN có thể giành được 36% tổng số phiếu bầu và đứng trước liên minh cánh tả "Mặt trận nhân dân mới?" Còn liên minh ủng hộ Tổng thống Pháp, do Thủ tướng Gabriel Attal dẫn đầu sẽ ở vị trí thứ 3.

Do lệch múi giờ, các phòng phiếu tại nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã bắt đầu mở cửa từ ngày 29/6 (tính theo giờ Paris). Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở những nơi này đã cao hơn thường lệ. Tại Nouvelle Calédonie, nơi vừa trải qua 6 tuần lễ bạo động giữa phe đòi độc lập với bên chủ trương ở lại trong nước Pháp, tỷ lệ tham gia tới trưa lên tới hơn 32% thay vì 13% như cách đây hai năm. Tuy nhiên kết quả vẫn phải đợi đến 20 giờ ngày 30/6 mới được thông báo.

Theo các nhà quan sát, hai kịch bản có thể xảy ra khi đảng cực hữu RN sẽ giành được đại đa số tại Quốc hội hoặc sẽ không có bất kỳ đảng hay liên minh nào giành được thắng lợi hoàn toàn. Trong trường hợp thứ 2, việc Tổng thống chọn Thủ tướng sẽ rất phức tạp và cuộc khủng hoảng chính trị sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng tại Pháp.

Theo thể lệ bầu cử tại Pháp, một ứng cử viên được trên 50% cử tri bỏ phiếu ủng hộ đắc cử ngay vòng đầu (nhưng tối thiểu phải đạt 25% số cử tri đăng ký). Tất cả các ứng cử viên giành tối thiểu là 12,5% sẽ tiếp tục tham gia vòng 2. Trường hợp ngoại lệ là nếu chỉ có một ứng cử viên được 12,5% số phiếu trở lên, ứng cử viên nhận được số phiếu bầu cao nhất tiếp theo (dưới 12,5% phiếu) sẽ được chấp nhận vào vòng 2. Nếu không ai đạt 12,5% phiếu trở lên, thì hai ứng cử viên có phiếu bầu cao nhất sẽ lọt vào vòng hai.

Tối 30/6, những dự báo đầu tiên về kết quả ở vòng 1 sẽ được thông báo, căn cứ theo các thăm dò thực hiện tại các phòng phiếu.