Quyết định bổ nhiệm Thủ tướng mới được đưa ra gần hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn và 50 ngày kể từ khi Thủ tướng Gabriel Attal và toàn bộ nội các từ chức.
Như vậy, đây là lần đầu trong lịch sử Cộng hòa thứ V, liên minh có số ghế lớn nhất (cánh tả) trong Quốc hội không có đại diện lãnh đạo chính phủ.
Thuộc đảng cánh hữu LR, ông Michel Barnier đã nhiều lần làm Bộ trưởng dưới thời Tổng thống Jacques Chirac và Tổng thống Nicolas Sarkozy, trước khi làm Ủy viên châu Âu.
Tổng thống Emmanuel Macron đã chỉ định ông Michel Barnier, cựu Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu (EU), làm Thủ tướng mới sau gần 2 tháng bế tắc chính trị tại Pháp. (Ảnh: EP) |
Do áp lực ngày càng gia tăng từ các chính đảng đối lập và vì chính phủ sẽ phải trình Quốc hội ngân sách 2025 vào ngày 1/10 tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải nhanh chóng bổ nhiệm một tân thủ tướng.
Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh ưu tiên xây dựng một “Mặt trận Cộng hòa” với một gương mặt dẫn dắt đủ uy tín nhằm bảo đảm sự ổn định của thể chế trong việc thúc đẩy các vấn đề đối nội cấp bách, đồng thời khẳng định vị trí và vai trò của Pháp trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp cũng cho rằng, một chính phủ đơn thuần cánh tả mà không liên minh với các đảng phái khác sẽ khó có thể tồn tại, thậm chí là sụp đổ ngay trong lần ra mắt đầu tiên tại Quốc hội nếu có đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm được trình lên.
Ông Emmanuel Macron đã từng đề nghị một số chính trị gia như Chủ tịch vùng Hauts-de-France Xavier Bertrand, thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), hay cựu Thủ tướng cánh trung tả Bernard Cazeneuve, đảm nhiệm chức vụ thủ tướng. Tuy nhiên, cả hai đều có nguy cơ bị Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm do một số chính đảng cánh tả và cực hữu phản đối.
Theo thông báo của Phủ Tổng thống Pháp, ông Michel Barnier sẽ phải ‘‘lập ra một chính phủ đoàn kết vì lợi ích chung của đất nước’’.
Những ngày tới, lập một nội các mới có khả năng vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện là thách thức lớn nhất với tân Thủ tướng Michel Barnier, trong bối cảnh liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron, với khoảng 150 nghị sĩ, chỉ là nhóm nghị sĩ "đứng thứ hai" tại Hạ viện.
Đây là mục tiêu không dễ dàng khi Hạ viện Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc do ba khối chính gồm cánh tả, trung dung và cực hữu có số ghế gần bằng nhau.