Thạch Thất nắm bắt cơ hội, phát triển nhanh, bền vững

Với lợi thế về vị trí địa lý, tập trung nhiều làng nghề, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội trong những năm gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận sản phẩm OCOP. (Ảnh MAI QUÝ)
Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận sản phẩm OCOP. (Ảnh MAI QUÝ)

Tuy nhiên, huyện cần tìm cách khai thác các lợi thế, nắm bắt các cơ hội, phát triển kinh tế nhanh và vững chắc hơn, nhất là khi trở thành trung tâm của thành phố vệ tinh Hòa Lạc ở phía tây Thủ đô.

Từ mấy năm nay, thương hiệu rau an toàn Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) đã trở thành sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng với chất lượng cao. Đại diện Hợp tác xã rau an toàn Hương Ngải cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn nên các loại rau phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hướng đi hiệu quả

Hằng năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn khoai tây chất lượng cao cùng các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Rau ngót, rau muống… doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, thời gian qua, huyện tập trung nhiều giải pháp phát huy thế mạnh địa phương, thúc đẩy chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Huyện có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện có năm mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, gồm: Trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng, diện tích 12ha ở xã Yên Bình, 15ha ở xã Yên Trung; trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, trồng hoa ly 12ha, trồng hoa đồng tiền và một số loại hoa khác ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dù còn nhỏ, nhưng đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, huyện đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện Thạch Thất có Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai do thành phố quản lý và bảy cụm công nghiệp huyện quản lý, đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 91,34ha ở năm xã.

Tuy nhiên, nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở làng nghề vẫn còn rất lớn. Việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, dần đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của huyện Thạch Thất nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Với những cách làm này, năm 2021, huyện Thạch Thất đã trở thành địa phương có số thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng của thành phố. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt hơn 1.425 tỷ đồng (bằng 139% dự toán thành phố giao, tăng hơn 68% so với năm 2020); tám tháng năm 2022 đạt 615,3 tỷ đồng, bằng 63% dự toán thành phố giao, tăng 9% so với cùng kỳ… Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, trật tự xây dựng được huyện chú trọng và có nhiều chuyển biến. Riêng trong tám tháng năm 2022, huyện đã phát hiện và xử lý dứt điểm, kịp thời 41/43 trường hợp vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Nắm bắt cơ hội tốt hơn

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, thời gian tới, huyện nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia Hà Nội...; chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Huyện sẽ chú trọng phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Để cụ thể hóa các mục tiêu này, lãnh đạo huyện Thạch Thất kiến nghị thành phố sớm thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện; sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thị trấn Liên Quan và khu vực phụ cận; cho phép huyện triển khai thực hiện một số dự án đầu tư, phát triển cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21A (Xuân Mai-Sơn Tây); quan tâm đầu tư hạ tầng, cảnh quan và công trình phụ trợ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Huyện ủy Thạch Thất mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ban, ngành quan tâm, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho huyện Thạch Thất đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, giao thông. Khi điều chỉnh

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện Thạch Thất sẽ trở thành trung tâm của thành phố phía tây Thủ đô với “lõi” là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội...

Đây là lợi thế phát triển rất

quan trọng mà huyện phải nắm bắt. Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh các dự án

đầu tư công, phát huy thế mạnh của huyện về tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm làng nghề, dịch vụ thương mại, các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.