Thạch Hà tối đa hóa lợi ích cộng đồng và bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc vượt kế hoạch

NDO - Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, sẵn sàng đối thoại, giải quyết những ý kiến trái chiều trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, bảo đảm tối đa lợi chính đáng cho người dân… là cách thức, phương châm hành động được huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lựa chọn, triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc bắc-nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo huyện Thạch Hà cùng Ban Quản lý dự án Thăng Long kiểm tra hiện trạng khu vực triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam.
Đại diện lãnh đạo huyện Thạch Hà cùng Ban Quản lý dự án Thăng Long kiểm tra hiện trạng khu vực triển khai dự án đường cao tốc bắc-nam.

Nhờ đó, Thạch Hà đã trở thành địa phương bàn giao mặt bằng sớm hơn mốc thời gian yêu cầu, với khối lượng cao hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Lên "dây cót" tinh thần

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa, ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, địa phương xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia.

Vì vậy, UBND huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, tập trung cao độ nhân lực, phương tiện, thời gian để thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh việc lên dây cót tinh thần, chủ động phương án thực hiện nhiệm vụ quan trọng, địa phương cũng “sòng phẳng” nhận diện những khó khăn, vướng để có phương án hóa giải thỏa đáng, kịp thời.

Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng huyện Thạch Hà, Nguyễn Anh Tùng cho biết, trong giai đoạn khởi động của dự án, bên cạnh việc tiếp nhận mốc giải phóng mặt bằng muộn hơn so với các địa phương khác, tuyến cao tốc bắc-nam đi qua địa bàn có sự điều chỉnh về hướng tuyến, mốc thực địa.

Cùng với đó, trong giai đoạn này, địa phương cũng đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thi công nhiều công trình, dự án trọng điểm. Vì vậy, khối lượng, yêu cầu tiến độ đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương rất cao.

Chỉ tính riêng khối lượng giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, theo số liệu kiểm đếm, tuyến chính dự án đường bộ cao tốc bắc–nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đi qua huyện Thạch Hà có chiều dài 18,27km với 7 xã bị ảnh hưởng, gồm: Việt Tiến, Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Đài, Thạch Xuân, Tân Lâm Hương, Nam Điền.

Diện tích bị ảnh hưởng dự án là 149,4ha đất các loại với hơn 1.300 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 151 hộ phải tái định cư và 69 ngôi mộ phải di dời.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có dự án đầu tư xây dựng thêm tuyến đường song hành cao tốc nối ĐT.550-Hàm Nghi kéo dài với chiều dài 3,9km và tuyến đường nối Ngô Quyền-ĐT.550 với chiều dài tuyến 5,053km, diện tích bị ảnh hưởng 9,02ha của gần 300 hộ dân, trong đó có 52 hộ phải tái định cư.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tùng, do công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật, trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác chuyên môn về công trình điện ở các địa phương còn hạn chế…, cũng tạo ra những khó khăn nhất định.

“Ngoài ra, việc điều chỉnh mốc giải phóng mặt bằng 3,15km qua xã Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) nằm trong đoạn cao tốc Bãi Vọt–Hàm Nghi cũng gây ra những khó khăn đối cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện.

Do có sự điều chỉnh hướng tuyến nên gần như kết quả công việc thực hiện tại 2 địa phương này phải hủy bỏ và huyện lại bắt tay làm lại, bởi khi điều chỉnh thì các số liệu kèm theo về diện tích đất, số hộ dân bị ảnh hưởng cũng thay đổi.

Điều này khiến huyện gặp khó khăn khi cần phải tổ chức họp dân lại 1 lần nữa để thông báo với các hộ đã kiểm đếm là không bị ảnh hưởng từ dự án. Cũng như thông tin với hộ dân phát sinh từ sự thay đổi để tạo sự đồng thuận trong việc kiểm kê, kiểm đếm”, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng huyện Thạch Hà cho biết thêm.

Dễ làm trước, khó làm sau

Sau khi đã xác định khối lượng công việc, tiến độ dự án, huyện Thạch Hà đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, công khai các quy định, chính sách liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Ở nơi nào người dân còn thiếu thông tin, băn khoăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ở nơi đó có sự hiện diện của cán bộ chuyên trách giải phóng mặt bằng và các tổ chức mặt trận đoàn thể.

Thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, các “khúc mắc” lần lượt được làm sáng tỏ, được giải quyết kịp thời, phù hợp, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân, vừa góp phần cho dự án triển khai đúng tiến độ.

Anh Nguyễn Hữu Cảnh ở thôn Tiến Bộ, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà), hộ dân có 4 sào đất sản xuất và 114m2 diện tích đất ở nằm trong phạm vi thực hiện dự án cho biết: "Tại thời điểm kiểm đếm, gia đình cũng băn khoăn nhiều lắm, bởi ngoài mất tư liệu sản xuất thì căn nhà mới xây cũng bị ảnh hưởng, phải di dời tái định cư.

Tại các cuộc tiếp xúc, tôi cũng trình bày những vấn đề mà gia đình sẽ gặp phải khi thu hồi đất triển khai dự án, nhưng đã được các ngành chức năng từ xã tới huyện giải đáp khá đầy đủ".

Cũng với quan điểm trên, ông Phạm Ngôn, Thôn trưởng thôn Hương Long, xã Tân Lâm Hương cho rằng, ban đầu những hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ diện tích đất sản xuất rất lo lắng và e dè việc phải “nhường” đất cho dự án, với người nông dân đất đai là tư liệu sản xuất, nguồn thu nhập cốt lõi của bà con nông dân.

Bởi vậy, nếu Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng không làm rõ được chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế mới cho người dân thì “nút thắt’ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

“Bên cạnh các quy định hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm của nhà nước, lãnh đạo huyện còn chỉ đạo các phòng, ban chủ động liên hệ với một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, đơn vị tư vấn lao động ngoài nước để người dân tiếp cận, tìm việc làm mới, nên bà con rất phấn khởi, đồng thuận giao đất cho thực hiện dự án”, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, Nguyễn Văn Ninh cho biết thêm.

Theo chia sẻ của đồng chí Ngô Văn Hảo, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), với quan điểm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, địa phương đã mời các hộ dân liên quan đến theo dõi trực tiếp quá trình trích lục, trích đo bản đồ địa chính; kiểm kê, xác định nguồn gốc đất đai, áp giá… tại những gia đình cán bộ, đảng viên có diện tích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi.

Với cách làm nói trên, tính đến ngày 8/11, huyện Thạch Hà đã phê duyệt bồi thường đất nông nghiệp của 910 hộ với tổng kinh phí 124,8 tỷ đồng; đã chi trả cho 820 hộ với số tiền 111,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện cũng đang tiến hành thẩm định trình phê duyệt 145 hộ với kinh phí gần 15,5 tỷ đồng tại xã Lưu Vĩnh Sơn.

Thạch Hà là đại phương đầu tiên ở Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng dự án cao tốc bắc-nam, với khối lượng 118,7ha/149,4ha đạt tỷ lệ 79,5% diện tích cần giải phóng mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Thăng Long, vượt kế hoạch và tỷ lệ so với yêu cầu của Chính phủ.