Thả 12 nghìn con cá giống xuống vùng biển Quảng Nam

NDO - Ngày 30/3, tại khu vực bãi biển xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam phối hợp Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và chính quyền địa phương thả 12 nghìn con giống cá chim, cá đối, cá dìa xuống khu vực rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến).
0:00 / 0:00
0:00
Thả cá giống xuống vùng biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Thả cá giống xuống vùng biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Viết Tích cho biết, đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2023).

Hoạt động này nhằm tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phát triển nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh thái biển.

Quảng Nam hiện có hơn 2.740 tàu thuyền khai thác hải sản; trong đó, phương tiện nhỏ (có chiều dài dưới 12m) khoảng 1.330 chiếc. Thời gian qua, việc đánh bắt hải sản ở khu vực ven bờ của các phương tiện nhỏ đã gây áp lực lớn làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Do vậy, việc thả cá giống, tái tạo nguồn lợi hải sản và tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản là việc làm cấp thiết nhằm góp phần cùng cả nước tăng tốc gỡ “thẻ vàng thủy sản”.

“Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương ven biển thường xuyên kêu gọi cộng đồng ngư dân không khai thác hải sản trái quy định của pháp luật; hạn chế đánh bắt ở khu vực gần bờ, nhất là khu vực các loài hải sản đang sinh nở, sinh trưởng, tuân thủ các quy định bảo tồn biển. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn khai thác hải sản hủy diệt bằng xung điện, kích điện, xử lý nghiêm các sai phạm”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Viết Tích đề nghị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Viết Tích kêu gọi, các địa phương ven biển cần thả bổ sung giống các loài thủy hải sản quý, hiếm, nguy cấp, có giá trị kinh tế cao vào các vùng nước tự nhiên để phát triển nguồn lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương cần thực hiện chuyển đổi nghề khai thác hải sản thiếu bền vững, tạo sinh kế ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển...