Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với diện tích mặt nước 19.000ha và hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ. Ðây là lợi thế rất lớn để phát triển thủy sản và du lịch, cũng như mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân đang làm ăn, sinh sống trên lòng hồ. Hành động thả cá thể hiện tinh thần trách nhiệm của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản trên hồ. Năm nay, mỗi hộ dân thả ít nhất ba con cá trong ngày ra quân và toàn huyện đã thả hơn 30 nghìn con cá các loại bổ sung nguồn lợi thủy sản cho lòng hồ.
Ngay đầu năm 2023, một loạt địa phương tại các tỉnh miền núi phía bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình… cũng thực hiện hành động thả cá tái tạo trên các lòng hồ của từng nơi với số lượng hàng chục tấn cá giống các loại. Nhìn rộng ra, không chỉ các địa phương phía bắc mà cả các tỉnh, thành phố phía nam, tập tục này cũng được nhân rộng. Thí dụ như ở Ðồng Nai, mỗi năm hai lần vào dịp đầu năm và cuối năm, hàng trăm nghìn cá giống các loại được thả xuống lòng hồ thủy điện để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Ở nước ta, địa hình thường có các hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện có diện tích mặt nước lớn rất thuận lợi cho việc phát triển các loài thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức đã và đang làm cho nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển ngành thủy sản và bảo tồn, đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác sử dụng bằng các ngư cụ mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản còn nhiều; việc lưu hành, sử dụng những ngư cụ này khá phức tạp và gây khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là chất độc, xung điện. Chính vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản càng cấp bách và cần được quan tâm.
Ðể góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, nhiều địa phương đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, tuyệt đối không sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, các hành vi bị cấm trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Những cuộc phát động thiết thực này đã và đang thu hút sự hưởng ứng tích cực, rộng rãi của toàn dân. Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa của phong trào không chỉ "ích nước", tức bảo vệ và phát triển nguồn thủy sản trên hồ, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cho quê hương mà còn "lợi nhà" khi góp phần quan trọng ổn định sản xuất, tạo sinh kế cho chính người dân...