Ra khỏi chợ ai cũng lỉnh kỉnh túi lớn túi bé, những món đồ ấy sẽ theo khách hàng trên những chuyến xe đường dài, lên máy bay về quê trong sự háo hức của trẻ con, niềm vui của người già. Cuối năm cũng là dịp dân chợ mong mỏi nhất. Cả năm trông vào ngày Tết, hàng tồn, hàng cũ được bán đẩy đi thu hồi vốn, hàng mới, hàng đẹp thu lãi tổng kết cả năm dài.
Sau những tươi tắn ồn ào ấy, chiều Ba mươi Tết như một quãng trầm của bản đàn, những âm thanh vút lên đã thưa thớt, ngưng lại. Đấy là lúc dân xóm chợ ngồi chờ những vị khách cuối cùng, là lúc nhận được cuộc điện thoại gọi từ quê nhà mà đầu dây bên kia tíu tít tiếng làm cỗ, tiếng nói cười đầm ấm đến nao lòng. Hàng hóa đã vơi đi nhiều, cứ để đấy chưa vội gì thu dọn, dân xóm chợ đâu có mâm cơm tất niên đầy đủ hai bên nội ngoại. Hàng hoa ngay đầu chợ, một lát nữa đứng dậy ra mua lấy vài chậu mào gà, vạn thọ đã qua tay chán vạn người chê. Tối muộn đêm Ba mươi, nhiều người mới dọn hàng, cũng bày một mâm quả, đĩa xôi, miếng thịt heo quay trước cửa sạp, thắp vài nén nhang thơm gọi là đa tạ thần tài thổ công đã độ trì cho một năm mua may bán đắt.
Dân xóm chợ sẽ ngủ hết mấy ngày Tết trong gian buồng con con quây tạm bợ sau cửa hàng. Ai khá giả thì chở vợ con đi ngắm nghía đường hoa, thăm thú mấy khu du lịch. Rồi họ chọn ngày đẹp đón chờ vị khách mở hàng trong năm mới. Người mở hàng cho cả một năm sẽ thật xông xênh, chủ quán lì xì lại cho khách để niềm vui được nhân đôi.
Phải đến mấy cái Tết tẻ nhạt trôi qua, dân xóm chợ đã vượt qua những năm xoay xở nhọc nhằn vì ít vốn. Phú quý sinh lễ nghĩa hoặc là sinh tình nghĩa, dân xóm chợ khó có thể gọi là phú quý nhưng cũng đỡ hơn mấy năm trước. Nhiều người sắm một cái tivi màn hình phẳng để xem Táo quân, hài Tết, nhiều người đã chở một cây mai thật lớn để ngay trước cửa hàng.
Có người bàn đến chuyện gói bánh chưng, bánh tét chung cho cả xóm. Vậy là hùn tiền, vậy là mua than hoa, mua củi, cũng gạo nếp, thịt ba rọi, đậu xanh, lá dong, lá chuối tươi. Chiều Ba mươi, dân xóm chợ đóng cửa sớm cùng nhau đón Tết. Năm đầu tiên người ta quây quần gói bánh cổ truyền, trẻ con nô đùa háo hức quanh khu đất trống. Rồi thì những bao lì xì cho trẻ con, nhắn người hợp tuổi mở hàng cho nhau mà không phải thấp thỏm đợi vị khách đầu tiên năm mới. Tết phải có khách xông nhà thì mới ra ngày Tết. Bánh vớt lên dẫu không ngon chuẩn vị với tấm bánh quê nhà, nắng gió xứ người ngày đầu xuân cũng khác nhưng đấy cũng là những niềm vui lấp lánh với trẻ con. Có thể đó là những cái Tết đầu đời, những cái Tết nghèo nhưng để lại dư âm, trở thành ký ức đẹp lớn dần lên những mùa Tết sau này.
Ngày Tết dẫu thế nào cũng phải có thật nhiều tiếng cười để khởi đầu một năm mới hanh thông, giòn giã.