Mùa xuân trên mái nhà

Dàn Antigone hồng bên hiên ngôi biệt thự cổ trong ngõ Xóm Hà Hồi. Đàn chim sẻ ríu rít trên mái ngói lô xô. Ánh nắng vàng dịu trải dọc con ngõ phố làm không gian thêm im vắng. Một cô gái mặc áo dài trắng bất ngờ xuất hiện bên ngã ba xóm. Tôi sững lại ngắm sắc mầu phớt nhẹ trên tấm toan thiên nhiên mơ màng. Tiếng dương cầm từ đâu đó vang lên nhẹ bẫng.
0:00 / 0:00
0:00
Xuân về. Tranh: LÊ THANH SƠN
Xuân về. Tranh: LÊ THANH SƠN

1/Cái biển “Ngõ Xóm Hà Hồi” không mấy xa lạ với người dân Hà Nội. Nhưng những câu chuyện ở đây không phải ai cũng tỏ tường. Ít người có dịp rẽ ngang để lắng nghe một tiếng rao bỏng ngô hay tiếng nhạc thấp thỏm bay ngang xóm: “Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi/Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối”.

Gọi là ngõ nhưng là một cụm phố rộng có hai ngã tư với bốn ngả đi vào. Ngõ Xóm Hà Hồi được ba con phố bao bọc rộng chừng 4ha. Đây là khu trại lính từ thời nhà Nguyễn. Sau này người Pháp cho xây dựng hàng chục biệt thự để ở. Mỗi biệt thự rộng từ 400-600m2. Người ta còn gọi đây là xóm biệt thự Tây. Sau năm 1954, các biệt thự, nhà vườn ở đây được phân cho cán bộ và những người đi theo kháng chiến trở về. Trong số đó có gia đình nhà văn Kim Lân, nhà thơ Thợ Rèn. Mỗi biệt thự được phân cho dăm hộ ở tùy theo diện tích và tiêu chuẩn.

Dẫn tôi đi lần này là anh Nguyễn Tiến Dũng, người con thứ năm của nhà văn Kim Lân (1921-2007). Chúng tôi đi vào đầu ngõ thứ nhất từ phố Quang Trung. Tiến Dũng chỉ ngôi biệt thự của Đại tá nổi tiếng Hà Văn Lâu (1918-2016) ở góc phố có bức tường kéo dài tới gần 30m dọc ngõ. Đó chính là nơi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 1992 Hà Kiều Anh cất tiếng khóc chào đời (1976). Cô là cháu nội của ông Hà Văn Lâu. Anh kể khi còn nhỏ vẫn thấy bà Vương Kiều Oanh đẩy xe cho con gái Hà Kiều Anh đi dưới dàn hoa giấy chạy sâu vào ngõ. Những bước chân đầu tiên lẫm chẫm bên hè đường, Hà Kiều Anh đã tới ngôi nhà số 6 vui đùa với đàn bồ câu trắng muốt mổ thóc trong sân. Khi lên 5 tuổi, Hà Kiều Anh rời ngõ Xóm Hà Hồi theo mẹ vào TP Hồ Chí Minh.

2/Chúng tôi dừng chân trước cửa nhà số 6 với bao nỗi vui buồn lẫn lộn. Tiến Dũng kể đây là nơi anh sinh ra lớn lên từ năm 1956 cho đến khi nhà văn Kim Lân mất (2007). Hai năm sau gia đình mới chuyển đi. Vậy là hơn nửa thế kỷ anh đã gắn bó với ngôi nhà thân yêu này. Trở lại đúng nơi căn phòng đã ở, Tiến Dũng bồi hồi nhớ lại mảnh vườn xinh xinh ngày nào còn xanh mướt những hàng cây do thầy Kim Lân trồng. Những cây hồng ta mới chúm chím nụ đã tỏa hương. Anh thường dốc bã chè trong ấm của thầy để bón gốc hồng. Thầy vẫn xoa đầu anh cùng với những anh em trong nhà mỗi khi làm việc tốt. Trong căn phòng nhỏ của thầy luôn có mặt những văn sĩ cùng thời như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tế Hanh… Những lúc ấy Tiến Dũng chỉ biết giúp thầy châm đóm hút thuốc hay ngồi im hóng chuyện. Các anh chị thì mải vẽ còn Tiến Dũng cứ đun nước pha trà giúp thầy. Anh còn nhớ nhà văn Kim Lân đã cặm cụi viết suốt đêm. Ông đã in những tập truyện ngắn trong thời kỳ này như “Nên vợ nên chồng” (1955), “Con chó xấu xí” (1962), rồi “Hiệp sĩ gỗ”, “Ông cản ngũ” và “Tuyển tập Kim Lân” (vào các năm 1998 và 2003). Ngôi biệt thự số 6 vẫn nguyên dạng như cũ, không được phép sửa chữa, nhưng giờ đã có tới hơn chục hộ ở. Đường vào nhỏ đủ vừa một xe máy. Không thể làm nhà lưu niệm cho nhà văn Kim Lân ở đây nên gia đình đành phải bán đi. Hiện, ngôi nhà lưu niệm chính và đầy đủ nhất các di vật của nhà văn đã được xây ở quê ông, làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh.

3/Tôi chợt nhớ ở đường vào đầu ngõ từ phố Trần Hưng Đạo là quán cà-phê của người đẹp Ánh Vân. Có thể nói đây là quán

cà-phê văn nghệ sĩ hiếm hoi ở Hà Nội được mở bên mé nhà số 8 ngõ Hà Hồi, vào đầu thập niên 90. Khi đó người đẹp Ánh Vân là diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Quán thu hút nhiều văn nghệ sĩ tới đàm đạo văn chương và sân khấu. Nhà thơ Trần Ninh Hồ và tôi thỉnh thoảng đến đọc thơ cho cô chủ xinh đẹp nghe. Nhạc sĩ Dương Thụ thường lên vườn cây trên nóc quán uống cà-phê một mình và lắng nghe tiếng chim gù từ phía biệt thự đối diện. Nhà thơ Thi Nhị đã từng viết về con ngõ này rằng: “Là xóm, lại không là xóm đâu/Giữa lòng Hà Nội, ngõ chim sâu/Mấy khuôn vườn nhỏ êm như thể/Lọc hết êm ru phố xá vào” (Xóm Hà Hồi). Người đẹp Ánh Vân nay đã lui về ở phía trong, số nhà 25 ngõ Xóm Hà Hồi.

Tiến Dũng chợt dừng lại trước ngôi nhà số 7. Đó là biệt thự của họa sĩ Lê Thanh Sơn. Tôi ngẩn ngơ trước ngôi biệt thự được giữ nguyên bản với không gian im vắng trong sắc vàng thơ mộng. Ngọn gió thổi vô hồi trong nắng xuân bay về bốn hướng. Thì ra âm nhạc buông những câu trong bài “Đóa hoa vô thường” phát ra từ nơi đây. Họa sĩ Lê Thanh Sơn nổi tiếng với những bức tranh thiên nhiên. Ngôi biệt thự anh gìn giữ cùng với những chú chim cắp rơm về bên góc hiên đã là một tác phẩm sắp đặt mê hồn. Giai điệu “Đóa hoa vô thường” của Trịnh vẫn cứ chuốt lên những âm sắc dịu dàng: “Từ nay anh đã có nàng/Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca/Mùa xuân trên những mái nhà/Có con chim hót tên là ái ân”.