Trong hình dung về những hũ tôm đất được xếp ngay ngắn đẹp đẽ, xen kẽ với ớt, củ gừng, vài lát riềng mỏng, nổi bật lên cái mầu đỏ au của thiên nhiên trù phú. Về những mẻ bánh phồng chỉ đợi vài cơn nắng tốt là có thể vô bịch, chờ được hóa thân tô điểm cho các dĩa gỏi thêm phần trọn vẹn. Về từng mẹt tôm khô sực nức hương vị quê nhà, ngọt lịm trong miệng, thơm thảo trong tô canh rau mát lành. Một dĩa tôm khô củ kiệu không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của xứ mình. Mấy lát bánh tét tròn xoe, có cục mỡ trong veo ngay chính giữa, rồi tới lớp nhân đậu xanh bùi bùi. Điệu đàng thêm mầu tím của lá cẩm, mầu xanh của lá dứa, điểm cái nhân hột vịt muối, thì càng đẹp. Rổ bánh ít, bánh ú hình chóp, gói bằng lá chuối, lá dong hồn hậu. Tất cả, như những nét chấm phá đơn sơ mà rực rỡ, bình dị mà lưu luyến, thuần vị mà ngon lành của xứ sở Bạc Liêu yêu thương.
Quê tôi đó. Mảnh đất của đờn ca tài tử, của “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, của nhà hát Cao Văn Lầu mang hình chiếc nón lá. Của những cơn gió chướng lao xao mùa giáp Tết, thoảng đâu đó mùi thơm của mứt dừa, mứt chuối ngạt ngào. Của ba khía muối, dưa bồn bồn, của mắm cá sặc, cá lóc đồng, của những chiếc giỏ bàng, giỏ cói xếp đầy mớ cua chắc nụi, gạch son ăm ắp gọi mời. Món Tết quê tôi vẫn chủ đạo là thịt kho tàu với khổ qua hầm, như những miệt vườn, bưng biền miền Tây khác. Đồ ngọt hiếm khi vắng mặt bánh khéo, bánh bông lan tự làm. Những cô gái Bạc Liêu lớn lên với lời dạy về “nếp nhà” cực kỳ rõ rành và đơn giản, rằng phải vun vén, giữ nhà cửa luôn sạch gọn, sàn nước gọn bâng, xoong nồi trắng bóng. Đặc biệt là phải biết làm bánh đổ-rau câu-nấu mấy món quê mình. Thế thôi, dường như là đủ hành trang dằn túi để… lấy chồng rồi!
Như thím tôi, nhà có cái vựa nhỏ ven cửa biển, chuyên thu mua hải sản rồi sơ chế, đóng thùng. Mùa nào thức nấy. Tới đoạn nghe không khí có chút hơi lạnh cuối năm, thím liền tất tả chuẩn bị nguyên liệu cho những chuyến xe xuyên từ quê lên phố, gởi gắm bao nhiêu là ký ức dịu dàng.
Bởi đã có nhiều dịch chuyển, nhiều đợt rời đi, nhiều lắm những gia đình theo con bỏ quê về phố lập nghiệp. Đám trẻ lớn lên, rời thị trấn hoặc các xã nghèo xa tít, đi học ở xa, rồi chọn ở lại. Lần lượt em út, cha mẹ cũng lên theo, trông con, ẵm cháu... Thi thoảng mới về quê thăm nhà, gặp người thân, hương khói ông bà. Những cái Tết xa quê dần trở nên phổ biến. Dù vẫn biết, với thế hệ như ba má tôi, đấy chẳng phải là lựa chọn thích nghi dễ dàng gì.
Người ta có thể tất tả và lãng quên trong cả năm dài, nhưng cứ thử đắm mình vào nỗi nhớ tháng Chạp, tháng Giêng mà xem, sẽ thấy lòng lãng đãng bao nhiêu là niềm nhớ. Như ba tôi, thuở sinh thời vẫn luôn dặn thím gởi lên một thùng đồ “ăn Tết”, dù ở Sài thành nào có thiếu gì. Nào là khô cá khoai cá kèo, nhất định không thể thiếu dưa bồn bồn và hũ tôm chua “cho đỡ ngán”. Bâng quơ rằng, bữa này chắc nhà dì Sáu, cô Loan đã lặt lá mai rồi. Năm nay thời tiết thất thường, chẳng biết mai có nở bông vào đúng Giao thừa không nữa...
Tôi vin theo những ký ức của ba, tưởng tượng ra vạt hoa vạn thọ trước sân vàng ối, mùi hương hăng hắc không lẫn vào đâu được. Từ hôm đưa ông Táo, chẳng thể thiếu thứ hoa dân dã mà ăn sâu vào tiềm thức từng lớp người xa quê này. Mâm ngũ quả của miền nam chuẩn bị rặt phương ngữ, mang theo ước vọng “cầu vừa đủ xài sung sướng” (mãng cầu, trái dừa, đu đủ, quả xoài, trái sung). Kiểu như hoa mai chắc cũng gọi trại ra từ “may mắn” đây mà!
Phong tục ngày Tết của miền Tây ít cầu kỳ, mang đậm nét văn hóa châu thổ, pha lẫn với tập quán của người Hoa, người Khmer, người Chăm quanh vùng. Đã nhiều năm đón xuân ở phố, nhưng tôi vẫn giữ nếp, nợ ai ít nhiều thì đều gắng thu xếp trả trước Tết. Bận bịu gì cũng phải đi thăm mộ tổ tiên, ông bà vào cuối tháng Chạp. Tết miền Tây dường như đến sớm lắm, từ hôm Ba mươi là đã khẽ khàng, tránh chí chóe ồn ào mất vui trong gia đình. Nhà cửa tinh tươm, trang hoàng một chút sến cũng không sao.
Ở phố, nhưng người lớn vẫn giữ thói quen nhắc con cháu đừng quên châm đầy hũ gạo, lọ muối, lu nước, chai dầu ăn, keo đường… lúc năm hết Tết đến. Chỉ sợ thiếu hụt thì cả năm chẳng được đủ đầy. Rằng đi chợ cuối năm nhớ mua vạn thọ, mào gà, nếu có thêm bông trang thì càng tốt nhé! Mâm cơm chiều Ba mươi đã thành thông lệ sum vầy, trong câu chuyện trước sau gì rồi cũng có đoạn: Ngày xưa, lúc tụi bây còn nhỏ, nhà mình hồi ở quê, Tết ấy mà…
Bình thường thôi, mà nghe xao xác thấy thương…