Đường làng còn vắng lặng, chỉ lác đác vài tốp người đi chúc Tết sớm và đây đó tiếng pháo đón chào ngày đầu năm đì đẹt nổ, khói pháo và hương trầm quyện vào nhau dâng trong không gian tĩnh lặng mùi thơm ngây ngất. Với tôi, đấy chính là mùi hương của mùa xuân.
Nhà ông ngoại tôi rất giàu, giàu từ bao đời trước tôi chẳng biết, từ lúc bé tí tôi đã thấy ngôi nhà ấy thật lớn và khác xa với ngôi nhà chúng tôi vẫn sống. Trên mái của ngôi nhà rộng lợp ngói mũi đã phủ đầy rêu luôn có những đôi chim câu gù gù rất hạnh phúc và bầy sẻ nâu mầu lông lẫn vào mầu mái ngói, lích rích nhảy nhót. Những gian nhà cổ làm từ rất nhiều gỗ với những cột nhà to tướng, sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, bàn thờ cửa võng, lư hương đỉnh đồng cùng những hoành phi câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy và uy nghiêm. Mọi đồ gỗ trong nhà đều mang mầu nâu thẫm, thời gian khiến cho chúng lên nước bóng loáng. Đấy là một ngôi nhà lành, nhiều phúc đức, ông tôi bảo thế vì “đất lành chim đậu”, “hoa lá tốt tươi”.
Ông ngoại tôi là một cụ đồ nổi tiếng trong vùng có bộ râu trắng dài như những sợi cước sáng lên trong gian nhà nhiều bóng tối. Những sớm đầu năm vào “xông đất” nhà ông ngoại, tôi luôn thấy ông ngồi xếp bằng trên chiếc sập gụ nâu bóng, bên cạnh là bàn thờ uy nghi với những món đồ thờ cổ kính vương đầy khói trầm thơm ngát. Lúc ấy chúng tôi còn bé tí, đến nỗi phải trèo qua bậu cửa bức bàn, tay bấu vào những cánh cửa gỗ cọt kẹt mới vào nhà để khoanh tay chào ông được. Chả hiểu sao mỗi khi bước vào ngôi nhà ấy chúng tôi thường trở nên rụt rè, chỉ dám ngồi một lúc rồi chạy ra sân chỉ trỏ cây mai tứ quý cũng đã khá già, trên cành cùng lúc có cả hoa vàng, hoa đỏ, quả xanh, quả đen mà ngạc nhiên hết sức.
Ngày ấy, hoa Tết còn là một điều xa xỉ, phần lớn các gia đình trong làng chỉ có thể mua được những cành hoa bằng giấy nhuộm mầu rẻ tiền thì nhà ông ngoại tôi luôn có cành đào trên bàn thờ. Có năm là đào bích đỏ rực, có năm là đào phai phớt hồng và thường do cậu tôi đi công tác mãi tận Hà Nội sắm về.
Cạnh chiếc bàn uống trà của bộ tràng kỷ nâu bóng, vào dịp Tết luôn có một chậu mai trắng, ông tôi gọi đấy là nhất chi mai, một giống hoa quý. Chậu cây nhỏ bé được đặt trên một chiếc đôn chạm trổ rất công phu, cây mai nhỏ bé có cái gốc xù xì già nua cằn cỗi vậy mà lại nở những cành hoa mong manh đẹp lạ lùng. Những bông hoa trắng tinh có đường viền hồng đẹp như một kiệt tác ấy luôn nở đúng vào những ngày đầu năm làm cho gian nhà ông tôi tôn thêm dáng vẻ sang trọng và trang nghiêm.
Chậu mai này ông tự tay chăm sóc hết năm này qua năm khác, kỳ lạ là năm nào nó cũng đơm hoa đúng dịp Tết. Ông hay kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “Nhị độ mai” liên quan đến giống hoa này từ năm xửa, năm xưa tận bên Trung Quốc. Tôi nghe ông nói hoa mai tượng trưng cho cốt cách của người quân tử, sự xù xì của gốc cây đối lập với cái gầy guộc mảnh mai của những cành hoa trắng mong manh đã làm nên khí chất của nó, ai đã trót yêu là yêu đến cả cánh hoa rụng lúc lụi tàn.
Câu chuyện về cây mai nở hai lần trong một mùa xuân cho dù có trải qua bao giông bão cũng y hệt như muôn kiếp nhân sinh, những buồn vui, thăng trầm cùng những trả vay hôm nào ông kể trong ngôi nhà cổ vẫn đang trở lại sống động trong tôi y như một cuốn phim đang trình chiếu. Ngôi nhà cũ gợi cho tôi nhiều hoài niệm, nhớ nhung, trìu mến, kiêu hãnh và tiếc nuối…
Tất cả êm đềm như một giấc mơ trôi mãi về miền hoa trắng…