Ký ức về bánh gio

Phải nói ngay, cái sự ngọt ngào này không phải từ bánh, cũng không phải từ món nước chấm là mật mía. Cái ngọt này là do những ký ức mà bánh gio ngày Tết đằm lại trong trí nhớ những ngày ấu thơ, ngọt đến tận bây giờ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Nhưng ấu thơ tôi thì không ưa bánh gio. Món bánh gì mà mềm oặt oẹo, bóc rất khó lại không có nhân, ăn vào nồng những vị vôi. Phải đến nhiều năm sau, tôi mới nhận ra đằng sau chiếc bánh làm bằng gạo nếp, truyền từ nhiều đời nay của vùng lúa nước đồng bằng sông Hồng ấy có rất nhiều thứ mà ta không chỉ dùng vị giác là có thể cảm nhận hết được.

Khi ấy, vào những chiều mồng Một Tết, bố mẹ hoặc các anh chị tôi về quê chúc Tết, bao giờ cũng vui vẻ gọi chúng tôi ra nhận quà. Quà quê của họ hàng, làng xóm năm nào cũng vậy. Dù chúng tôi chuyển khỏi làng chục năm, thì năm nào cũng thế, vẫn là những quả táo chua và vài đùm bánh gio. Chẳng cần phải đoán, chúng tôi cũng đã biết nên không đứa nào hào hứng.

Thấy vậy, bố mẹ tôi cũng đã quá quen, không có vẻ buồn. Trịnh trọng đặt chục chiếc bánh lên bàn thờ, bố tôi châm thêm nhang. Còn mẹ tôi xếp chỗ bánh còn lại cùng với chai mật mía vào chiếc rổ. Háu ăn là thế, nhưng suốt những ngày Tết, rồi cả sau Tết, chúng tôi chả đứa nào động đến nửa cái. Chỗ bánh trong rổ bố mẹ tôi ăn hết, chỗ trên bàn thờ để ra Giêng thì phải bỏ đi. Dù chưa hỏng nhưng cũng để quá lâu. Chiếc bánh gai thì còn cố nướng trên lửa cho mềm ra ăn nốt. Còn bánh gio thì…, chả tiếc gì cái thứ bánh vô duyên ấy.

Hay quan sát, lại nhớ lâu, nên tôi rất rành cách làm bánh gio của bà nội. Với tôi, bánh gio là thức quà của người già. Nhìn chiếc bánh không nhân vậy thôi nhưng làm lại rất cầu kỳ, mất thời gian, không phải chỉ một vài tiếng, một buổi hay một ngày mà xong. Như tên gọi, bánh được làm từ gio (hay tro) của các loại cây như thầu dầu gai, rơm nếp, cẳng xoan ta và khá nhiều những cây nhà lá vườn vốn sẵn ở ven đê sông Hồng.

Tất cả loại cây ấy được phơi khô lên, đốt cháy thành tro, để riêng từng đống. Đến khi làm bánh, từng loại tro được pha trộn vào nước theo tỷ lệ nào đó mà chỉ những người làm bánh lâu năm, nhiều kinh nghiệm mới biết, cùng với nước vôi trong để ngâm gạo. Chiếc bánh gói nhỏ thuôn như bánh răng bừa, bằng lá dong, cũng là thứ lá trồng được trong vườn nhà.

Đặc biệt, bánh gio luộc chín khi bóc ra có mầu đỏ phớt. Có những chỗ bánh in đậm mầu xanh của lá và nhất là khi giơ lên có chỗ trong suốt. Không cần phải ninh nhừ nhiều giờ đồng hồ, tốn củi như bánh chưng, từng hạt gạo nhuyễn ra như tan vào nhau, như một khối thạch. Ấy vậy, tôi vẫn không ăn và chỉ nhớ, bánh gio, như chiếc bánh chưng không thể nào thiếu trong ngày Tết của gia đình tôi. Như một hoạt động không thể thiếu lặp đi năm này qua năm khác, là về quê chúc Tết để rồi người quê lại biếu vài chục bánh mang về.

Bây giờ, khi cả bà tôi, mẹ tôi đều đã khuất xa, mấy chục năm trôi qua, mỗi chiều mồng Một, trên xe của bố tôi khi về quê lên, vẫn là mấy chục bánh gio ấy. Thì tôi mới hiểu, chiếc bánh gio quan trọng như thế nào. Nó là tình cảm của người quê chẳng bao giờ thay đổi. Dù chúng tôi có đi khỏi làng bao nhiêu năm đi chăng nữa, thì với ông bà, cô dì chú bác, chúng tôi vẫn là người làng, vẫn là một phần của mảnh đất quê cha đất tổ ấy.

Những chiếc bánh họ đâu chỉ cho người sống, mà còn là để chúng tôi dâng lên bà tôi, mẹ tôi và cả cụ kỵ nhiều đời trước. Để những người chôn nhau cắt rốn ở làng, vẫn được thưởng thức hương vị làng, được người làng nhớ đến, được hòa vào không khí cái Tết như thể khi họ đang còn sống. Bằng chiếc bánh gio ấy, những người cùng quê hương bản quán được gắn kết với nhau với mối tình thân cao hơn bất cứ thứ vật chất hiện hữu nào trên đời.

Các cụ ngày xưa chấm khẽ miếng bánh vào bát mật, để miếng bánh một phần tiếp xúc với mật, một phần không. Khi cho vào miệng, ta vẫn cảm nhận được vị ngọt của mật nhưng phần không được chấm vẫn rõ vị bánh trong lưỡi. Để rồi hai vị đó lại hòa quyện với nhau khi được nhai lẫn. Kết quả mát ruột, nhẹ bụng, dễ tiêu hóa, thảnh thơi, không quá tải.

Đó mới là cách ăn thực dưỡng, ăn kết hợp, ăn khoa học mà người xưa đã gửi gắm vào món bánh truyền thống này.