Đó là cái tin đầu tiên sau chuyến đò dọc sông đêm ngược ngàn trở về của Lão Ấu ngay trên bến Chạc Chìu. Chuyện sẽ không có gì to tát đến nỗi gây bàng hoàng khắp cả làng Vân bên sông Dùng Giằng, vì lẽ đương nhiên, chuyện đi rừng ngã núi, chuyện đá đè, đất lở, chuyện mất tích trong rừng sâu là chuyện như cơm bữa của cái làng mưu sinh bằng sông, bằng rừng trên vùng đất bán sơn địa này. Nhưng chuyện người trở về là Lim, chuyện của người ăn lan mất tích sáu năm trước trong rừng sâu lại chuyện mà không ai có thể ngờ được nổi. Có lời đồn Lim bị ma cây bắt, dẫn dụ đi trong khi đang ngủ rồi mất hút trong rừng sâu, khi đám sơn tràng tỏa ra đi tìm, tá hỏa không thấy Lim đâu, chỉ thấy những vòng dây đỏ đánh dấu những gốc có lan rừng. Năm đó, làng được mùa lan nhiều chưa từng có.
Dãy núi phía tây tỉnh Hạ cao ngất ngây này lườn mỏng. Núi dài dọc theo lãnh thổ. Có khi đi hết cả một ngày trời từ bắc xuống nam cũng không hết dãy núi, nhưng lại chỉ mất hơn buổi thôi lại có thể sang đến tận biên giới nước bạn. Tỉnh Hạ ít núi cao cheo leo hiểm trở, ngặt nỗi địa hình phân dị phức tạp lại nằm trong vành đai khí hậu ảnh hưởng của hai miền nam bắc, thành ra khí hậu khắc nghiệt đến không thể tả. Nhưng hoa lan thì đẹp tuyệt vời. Lan ở rừng này có độ bền, độ khỏe của loài cây sống trong môi trường khắc nghiệt, mà hương lan thì như đọng mật, quyện lẫn không tan xa nhưng đã đắm đuối thì chỉ có mê mệt với nó. Lan rừng tưởng trồng thì dễ nhưng lại khó vô cùng. Cái loài khắt khe có thể để cả tháng, trồng cũng dễ, chẳng cần phải kỳ công chăm sóc gì nhưng lại khó chiều lòng người thưởng thức nó khi không hiểu được thuộc tính của nó. Cứ như không vậy, sống thì sống nhưng cho hoa thì khó vô cùng. Như hữu duyên mới gặp được duyên vậy.
Gió đông chướng dội từ trên đỉnh rừng về rét buốt buồn buột. Ông Chín Cửu ngồi khoanh tròn chân trên chiếu quay mặt vào cửa rừng. Bàn thờ đặt dưới một gốc cây to trong vườn lan cộng đồng. Đó là khu vườn duy nhất dành để trồng lan. Những giò lan đẹp nhất, lạ nhất đầu tiên được đưa về đây cúng cho một mùa ăn lan gặp nhiều may mắn. Ông Chín đặt mâm lễ vật cúng gồm rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ, một con gà trống chân chì, giống gà rừng quý hiếm, lông đen, thịt đen, xương đen và một nồi nước thơm nấu từ các loại cây rừng ngào ngạt.
Buổi sáng, khi mặt trời vừa lấp ló trên đỉnh núi, ánh sáng chói lòa chưa chọc thủng được màn sương mờ đục còn bao phủ khắp núi rừng, những người dân đã tụ tập đông đủ. Một chiếc bàn thờ làm bằng thân cây trúc còn tươi, trên dán giấy bản, bốn tờ giấy dó mầu đỏ, giữa dán giấy vàng, dán ở bốn góc bàn thờ, cùng những tua giấy cắt treo bốn góc, tượng trưng cho trời đất bốn phương, tám hướng, đất đai, thần linh, tổ tiên… Ông Chín Cửu bắt đầu hành lễ.
Đầu tiên, ông rửa tay vào chậu nước thơm rồi lên hương khấn vái trời đất tổ tiên và thần rừng, sau đó cầm con gà đen hướng về phía núi lầm rầm khấn. Tiếp đó hai thanh niên được cử giúp ông cắt tiết gà, tiết của con gà được đặt lên bàn thờ cùng với túm lông cổ được dán lên tờ giấy bản nơi chính giữa bàn thờ. Sau khi luộc chín gà cùng xôi nếp, rượu gạo được bày lên, lễ cúng bắt đầu. Ông chắp tay đứng, những người tham gia cúng xếp hàng phía sau, mỗi lần ông kêu tên trời đất, thần núi, thần rừng, tổ tiên…, mọi người quỳ rạp xuống đất lạy trời đất phù hộ cho dân trong làng ai cũng được mạnh khỏe, phù hộ cho rừng cây tốt tươi, cho mùa ăn lan quanh năm không hết, giúp cho người no đủ, không còn đói nghèo… Đoạn ông Chín Cửu rót rượu ra những chiếc chén, sau đó đổ xuống đất, số còn lại ông chuyền cho Lim, từ tay Lim chén rượu được đi vòng quanh, mỗi người nhấp một tí lấy lộc. Có nghĩa là từ nay, Lim chính thức là thợ đầu trò. Cũng đúng thôi, khi ông Chín Cửu buông tay rồi, đầu trò ăn lan không ai khác mà chính Lim mới là người đứng ra gánh vác.
Lim rất có duyên ăn lan. Cả đám bạn kháo nhau rằng, Lim có biệt tài ngửi thấy mùi hoa trong gió. Chỉ cần ngửi thôi là đã biết được vùng đó thường có lan gì. Lim không nói ra được những suy nghĩ của mình nhưng anh biết, đó là sự thật. Nơi nào thường có hoa lan, nơi đó như bừng sáng hơn, như có một thứ thần sắc tự nhiên mà hoa lan đem lại cho vạn vật quanh nó. Các loại lan tai trâu thì có lá rất to, phiến lá mỏng, mọc ở tầm trung. Lan trúc thì mong manh như những tấm rèm thường mọc bên những bờ cây ven suối. Loại quý nhất có tên là nghinh xuân với lá dày và sóng to, nở đúng vào Tết âm lịch lại thường mọc ở ngọn cây, lấy rất nguy hiểm.
Lim nhớ lại lần đầu theo Chín Cửu ăn lan, năm đó Lim 12 tuổi. Nằm mắc võng qua gốc cây song song với ông nghe mãi về chuyện ma cây lan mà cả đêm không thể nào ngủ được. Ông Chín Cửu rít một hơi thuốc lào dài sòng sọc rồi nhả khói, giọng ông vỡ như nước suối đập vào vách đá bục bục ù ù “kiếm ăn là một cái nghề nhưng si mê nó lại là cái nghiệp, có khi còn là nghiệp chướng không dứt ra được. Như tao đây, đã bằng này tuổi rồi, tiền của hòm hòm đủ để ngồi mát xem lan rồi lại vẫn cứ mò mẫm trong rừng sâu hòng tìm giống mới. Chơi lan rồi mới thấy, giống như một đứa si tình, thằng đàn ông dẫu có trong tay năm bảy mối tình vẫn trở trăn suốt đời một bóng người con gái mà mình không bao giờ có được. Mày thấy cây lan rừng vậy thôi nhưng thiêng lắm đó. Nên không phải ai cũng làm nghề này được đâu, phải có duyên có phận mày ạ. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt là vậy”.
Đêm đó, trong một tích tắc chợp mắt thôi, tự nhiên Lim lại mơ thấy một giấc mơ lạ. Lim đã trông thấy trong khoảng sáng cuối chiều, ánh sáng vàng bầm lại thành những vòng tròn lấp lánh sáng, ngay trên mỏm đá này, cô gái cầm trên tay một khóm lan kỳ lạ: Lan cành trắng như tuyết, không có lấy một chiếc lá, dáng khô khan như nhánh chết, mà hoa lại đen huyền. Mầu đen của bông lan ấy láng mướt như nhung, lại lóng lánh sáng như bạc, nếu nhìn cánh hoa ngang mắt Lim chưa thấy bao giờ.
*
Ông Chín Cửu có một cô con gái nuôi là Nụ. Đó là đứa con gái ông nhặt được trong lần ăn lan đầu tiên năm đó. Hôm đó, trời rét buốt. Gió lùa trong rừng những tiếng hú dài nghe như tiếng khóc. Giữa bốn bề gió giật, ông thấy một đứa trẻ nằm im thoi thóp thở trong một cái chăn được bọc kỹ một tấm nylon mầu xanh nhạt. Ông bế thốc lấy nó, áp má nó vào ngực mình. Một lúc, hơi ấm làm má con bé hồng lên như một nụ hoa. Ông đặt tên nó là Nụ.
Nụ là đứa con gái duy nhất trong làng được đi ăn lan theo bố khi còn rất nhỏ. Bởi lẽ, ông Chín Cửu chỉ có một mình, đi đâu ông cũng địu con trên vai mà đi. Mùa lấy lan rừng nào cũng thế. Ông chuẩn bị hết hành trang cho cha con lên đường. Con bé quen với việc ngủ rừng y hệt cha nó mà không hề quấy khóc.
Không biết do khóc khan trong rừng rét mướt hồi đó hay sau trận sốt mà Nụ không nói được. Nụ bị câm. Ông Chín Cửu đã chạy chữa thuốc thang hết cách rồi nhưng con bé vẫn không hề biết nói. Mỗi khi nhìn nó ruột ông như thắt lại. Ông những muốn nhớ lại kẻ đã nhẫn tâm bỏ nó ở rừng vào những ngày rét mướt để hỏi xem làm sao người ta có thể làm được điều đó nhưng rồi lại thôi. Ông lại nghĩ con bé là của rừng cho ông trong những năm tuổi già đến vậy.
Ngày ông Chín Cửu quyết định buông tay đầu trò chuyến đi rừng cũng là năm con bé Nụ tròn 11 tuổi. Ông đã trăn trở suốt một thời gian dài với ước mơ nửa chừng phải gác lại vì đứa con trời cho hãy còn yếu đuối và bé bỏng quá. Ông không thể bỏ nó lại làng một mình, càng không thể mang nó theo như hồi bé xíu được. Bông hoa của ông, cái bông hoa rừng mà ông đã dày công nâng niu giờ đang như được đà học lớn mà ông giờ cũng già rồi. Ông muốn dành thời gian cho nó, hướng dẫn nó chăm sóc vườn lan, dẫu ước mơ của ông vẫn đang còn dang dở lắm.
*
Nụ dậy từ rất sớm. Mới sáng tinh mơ, Nụ đã dậy đỏ lửa rồi. Năm này, chính con bé Nụ là người chuẩn bị thức ăn cho Lim trước khi anh đi. Lim nằm quay mặt vào tường, mùi vôi vừa mới quét ấm áp kỳ lạ. Đã bao lâu rồi nằm đất ngủ rừng, bây giờ cuộc sống mới đến với anh kỳ lạ quá, kỳ lạ một cách dễ thương khi anh nhận ra con bé Nụ ngày nào bây giờ sắp là một thiếu nữ xinh đẹp và mong manh như một nhành lan vậy, khiến chuyến đi sắp tới trở nên quyến luyến vô cùng. Từ khi anh về ở với thầy, dù chưa chính thức nói ra nhưng anh đã thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn của một người anh trai đối với Nụ.
Rừng cây mùa thay lá trút hàng loạt như mưa vàng xuống tận ngõ rừng. Cây càng trút lá, trời càng thêm gió, thông thốc thổi rít chạy theo những khe suối nhỏ có nơi đã trơ đá cuội ướt rượt. Lim kéo cao khóa áo khoác, đội thêm chiếc mũ lông mềm mới tinh, lúi húi soạn sửa đồ nghề đi săn lan rừng. Anh xếp dao quắm, dây thừng, đinh mười phân, búa, đèn pin, lương khô, gạo muối và một can rượu 5 lít trong một chiếc gùi đeo lưng rồi xuống bếp.
Mâm cơm nóng hổi đã dọn xong rồi. Nụ bỏ thêm vào bếp dăm bục củi. Lửa lấp lánh bén lên, ấm sực. Lim lén nhìn Nụ. Nụ đẹp một cách lạ kỳ. Không sắc sảo cũng không dịu dàng. Nụ trông dễ ưa, chợt nhìn thôi là đã thấy ấm lòng. Anh không muốn xa Nụ. Lim không diễn nổi hết ý nghĩ trong đầu nhưng khi thấy Nụ là có một cảm giác nhẹ nhõm và tươi mới. Quanh chỗ Nụ ngồi tự nhiên như cũng sáng bừng, sinh động hẳn lên.
*
Tỉnh Hạ có đủ cả bốn mùa. Mùa mưa lũ lụt hoành hành, đất lở núi lở, ngày nắng thì nẻ đất, nẻ nước, cá chết phơi bụng dưới cả khúc sông trơ lỳ đá sỏi. Thế người ta mới nói rằng, ai ở được ngót nghét hơn 20 năm ở xứ này mà không một lần nghĩ đến chuyện ra đi, thì kẻ đó dẫu có bị bỏ đói, bỏ khát trong rừng thiêng nước độc ở mạn nào trên thế giới này vẫn có thể kiên gan chịu đựng được.
Lim đã ở tuốt trong rừng được hơn chừng đó. Năm nay đã 26 tuổi. Không cao. Dáng đi của Lim là sự pha tạp lẫn lộn giữa sự nhanh nhẹn của sóc và khỉ. Sự nhanh nhẹn và cái biệt tài ăn lan của Lim thì không ai bằng. Lẽ dĩ nhiên, ông Chín Cửu đã trao cái quyền đầu trò cho anh rồi thì có nghĩa là cả làng này không ai có thể theo kịp Lim được. Lim là đứa sinh ra ở rừng, sống trong rừng thế mà ông vẫn lo nhiều về Lim. Cái thằng để lại cho ông rất nhiều suy nghĩ khi nó còn quá trẻ và nó không hiểu được hết ý nghĩa việc đi lấy lan rừng muôn đời của làng nó.
Hôm trước khi vào rừng, ông Chín Cửu ngồi uống rượu trong vườn lan. Giọng ông chùng trong sương buốt giá:
- Nghề này không phải là nghề để làm giàu. Nhưng nó cũng không để con phải chết đói, chết khát. Cuộc đời này cho và trả sòng phẳng lắm, nó không như đá ném xuống nước được đâu. Một lần tặc lưỡi là một lần ghi nợ với rừng con ạ.
Rồi ông Chín Cửu nói hoài, nói mãi, nói đến hết nửa đêm rồi, giọng ông cứ như thở. Đêm khuya sương nặng rồi người ta vẫn thấy hai thầy trò Lim còn đi lại trong vườn lan ngắm mãi không hề chán mắt.
*
Sau lần đó Lim vào rừng và không về cùng đám sơn tràng nữa.
Đám sơn tràng cũng nhạt dần với nghề ăn lan, tản mát vượt rừng với những gùi hàng qua đường tiểu ngạch. Thi thoảng bị rượt đuổi, bị cướp hàng, thi thoảng có những tin đồn bay ra từ cửa rừng. Những người mất tích ở rừng đều không về nữa.
*
Người đầu tiên nghe lời đồn Lim trở về từ chính miệng ông già Ấu lại cũng chính là Nụ. Lúc đó mờ tỏ. Sương còn bịn rịn trên sông chưa kịp tan. Sóng chưa kịp thức vỗ nhẹ bên mạn thuyền ông lão nghe bục bục như cá quẫy. Ông lão thấy Nụ, chống con sào khựng lại hét ào:
- Thằng Lim nó về đó.
Nụ đánh rơi rổ rau đánh sầm xuống mặt nước. Mặt sông thức dậy vỡ tan thành những vòng tròn lớn dần. Nụ không đứng được nữa, ngồi thụp xuống rồi khóc. Cũng không ngồi được nữa. Nụ cắm cúi chạy. Nụ muốn kêu lên, muốn hét lên âm thanh vang dội trong lồng ngực mà không được. Hơi cứ nghẹn mãi theo bước chân Nụ chạy.
Ông Chín Cửu ở mé hiên nhà chống gậy bước ra vườn lan thấy Nụ hớt hải chạy ngược về nhà từ đằng xa thấy lòng không yên được. Mặt con bé tái mét ấp úng khua tay, khua chân rối rít loạn xạ cả lên. Mắt ông lão lúc đầu mở to ra, căng lên sau đó mờ dần đi rồi ông khóc. Như không tin ở mắt mình nữa, ông quay lại Nụ nắm lấy hai vai con bé hỏi dồn:
- Đúng không con?
Nụ gật gật đầu trong nước mắt rồi không hiểu sao bật lên thành tiếng: Lim!
Người giật mình không phải là Nụ, không phải là ông Chín Cửu nữa mà là Lim khi anh nghe tiếng Nụ phát ra một cách rõ ràng như thế. Lim chạy lại ôm chầm lấy thầy, vòng tay anh siết chặt lấy những con người mà những năm tháng ở rừng anh ngày đêm thương nhớ.
*
Đầu xuân năm ấy, tôi đến gặp ông già khi làm điều tra làm đề tài nghiên cứu về các loài lan rừng và nghiên cứu các biện pháp nhân nhánh để bảo tồn các loài lan quý. Ngôi nhà gọn ghẽ nhỏ xinh của ông nằm lọt thỏm trong một rừng lan đang long lanh sương trong những luồng hơi ấm dịu thổi về. Không thể nào tưởng tượng được ở nơi sơn cùng thủy tận này, ông ấy đã có một vườn lan đáng mơ ước như thế. Ông kể, cả đời ông chỉ mê lan, sống đời, sống kiếp với lan là ông đã mãn nguyện rồi. Một ấn tượng làm tôi ngỡ ngàng. Tất cả như một bức tranh vậy. Trong khung cảnh lúc bấy giờ chỉ có trên là trời xanh ngắt, nắng gió rát rạt, dưới là mặt nước mênh mông. Làn nước xuân trong vắt in rõ cả một rừng phong lan các loại đang thi khoe sắc. Lan trúc, trường kiếm, đoản kiếm, giáng hương trắng, hoàng điệp vàng, vu lan... thơm ngào ngạt xen lẫn từng chùm thủy tiên tai trâu hoa nở trắng cả vạt rừng.
Đêm đó, trong bữa tối muộn ở bến Chạc Chìu, người đàn ông ngồi bên cạnh chúng tôi đột nhiên vui hơn mọi bữa. Ông với tay gắp thức ăn đặt lên bát vợ. Bà vợ nhỏ nhẹ ăn, thi thoảng mỉm cười. Men ngấm sâu đêm, lâng lâng cả trong những kỷ niệm xưa cũ. Người đàn ông cất giọng mờ đục.
Sau cái đêm chúng tôi làm lễ tế thần, tế hoa chuẩn bị một mùa ăn lan mới năm đó, tôi và ông Chín Cửu ngồi với nhau thật lâu bên chai rượu đã gần cạn đáy. Trời rét lắm, giọng thầy tôi nghe vón lại rõ ràng:
- Con có hiểu câu “vương giả chi lan” là gì không?
- Là hoa phong lan chỉ những bậc đế vương mới xứng đáng được sở hữu và được chơi nó thầy ạ.
Nghe tôi nói vậy, thầy tôi nhấp nốt một chén rượu rồi cười.
- Con nói đúng mà cũng không đúng. Rõ rồi phong lan rất quý, rất thanh cao và vương giả thế. Nhưng đế vương ở đây lại là một cách hiểu khác. Nó thâm thúy lắm. Nó không hẳn chỉ là đế vương mà là tâm hồn con người. Yêu hoa phải hiểu được hết cái cốt lõi và ý nghĩa của nó. Có nghĩa là nó chỉ đẹp, chỉ bền khi nào con người biết nâng niu và trân trọng nó... Anh cứ nghĩ kỹ đi. Cuộc đời anh sinh ra là đã có duyên với rừng rồi. Trời đã trao cho anh cái khả năng nhận biết lan rừng như một món quà tặng đặc biệt. Nhưng thế thôi chưa đủ. Cũng giống như mọi nghề, năng khiếu là một cái may nhưng làm sao để phát triển cái năng khiếu đó thành một thế mạnh thì còn phải trả giá nhiều lắm. Con có thể mất một năm, hai năm, thậm chí cả một đời mới có thể tri ngộ được. Kiếm lan thì dễ nhưng để loài này không bao giờ mất đi thì lại khó vô cùng.
Tôi nhìn ra vườn lan. Để có được hàng trăm loài lan rừng tuyệt vời này, thầy tôi đã phải cất công cả đời lăn lộn trong rừng sâu mới có được nó. Thầy muốn tập hợp được tất cả các loại lan của vùng rừng Hạ này, nghiên cứu nó, phát triển nó để con cháu đời sau còn thấy được những vẻ đẹp tuyệt mỹ từ thiên nhiên núi rừng ban tặng. Bởi giờ đây, người đi ăn lan ngày một nhiều, người ta khai thác lan rừng theo kiểu tận diệt. Người ta không bận lòng suy nghĩ rồi sẽ có một ngày trên cánh rừng xanh bạt ngàn sẽ mất đi những sắc hoa lan rạng rỡ, nhiều loài lan quý sẽ bị xóa sổ đang thấy rõ. Nghĩ thế và tôi đi. Tôi đã lang thang trong rừng sâu hơn sáu năm trời. Tìm tòi, nghiên cứu, quan sát những nơi có từng loài phong lan sống được.
Tôi đã sống những năm tháng trong rừng với niềm tin mãnh liệt đến như thế không chỉ vì tiếp nối những công việc mà thầy tôi còn dang dở mà còn vì đóa hoa lan này. Không ai biết, trước ngày tôi lên đường, chính Nụ đã kéo tôi ra đến tận bến sông này, hai bàn tay em khua lên. Tôi ngồi im, cố hình dung để hiểu những lời em muốn nói. Nụ xòe tay trắng xanh, ngón trỏ và ngón giữa chụm vào nhau cố ý làm cho tôi hiểu. Tôi nói: Chim hạc. Em gật đầu. Rồi em vòng tay bịt mắt tôi lại, thoáng rồi mở ra. Tôi lại nói: Mầu đen. Đến đây em cười chảy nước mắt. Tôi lờ mờ hiểu ra, đó là em đang nói về một loài hoa lan em đã gặp trong rừng vào mùa ăn lan trước mà không ai có thể hiểu được lời em.
*
N gười đàn ông nói đến đó, lại nâng chén rượu lên uống một hớp rồi cười khà vẻ thỏa mãn. Giờ đây, ông đã là chủ của một vườn lan rừng tuyệt vời hơn 300 loài lan quý mà ông đã bỏ ra gần cả một đời người để theo đuổi nó. Ông nói rồi chỉ ra vườn lan. Ở ngay trước hiên nhà một khóm lan kỳ lạ: Lan cành trắng như tuyết, không có lấy một chiếc lá, dáng khô khan như nhánh chết, mà hoa lại đen huyền. Mầu đen của bông lan ấy láng mướt như nhung, lại lóng lánh sáng như bạc - một loại lan mà tôi chưa thấy bao giờ.