Chiều 29/12, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đến năm 2025.
Tham dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang góp phần quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương. Đồng chí cho rằng, chính sự hợp tác với các địa phương là nguồn cảm hứng để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới sáng tạo và khi chúng ta đã ký kết hợp tác thì hãy cùng nhau thực hiện tốt.
Đồng chí Phan Văn Mãi và đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tham quan các gian hàng trưng bày đặc sản các địa phương. |
Nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các địa phương thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đồng chí Phan Văn Mãi đã phân tích, đưa ra các lĩnh vực hợp tác trọng tâm, như kinh tế nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại… “Hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 42 doanh nghiệp tham dự, thành phố luôn tạo điều kiện, đồng hành và có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp của thành phố tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực thế mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.
Đồng chí tin tưởng, hội nghị hôm nay sẽ giúp các địa phương, doanh nghiệp chủ động, có đầy đủ thông tin, nắm bắt nhu cầu của nhau để xây dựng kế hoạch hợp tác phát triển cụ thể và lâu dài. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phân công một đồng chí Thường trực Ủy ban nhân dân phụ trách chương trình hợp tác giữa thành phố với các tỉnh Tây Nguyên và các đầu mối liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể, thực chất, góp phần phát huy tiềm năng của các địa phương vào sự phát triển chung của khu vực, của từng địa phương và cả nước.
Giai đoạn 2010-2021, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thu hút các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư 275 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 82,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk thu hút 50 dự án, tổng vốn đăng ký 6.049 tỷ đồng; tỉnh Đắk Nông thu hút 27 dự án, tổng vốn đăng ký 1.918 tỷ đồng; tỉnh Kon Tum 9 dự án, với tổng vốn hơn 542 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai thu hút 43 dự án của 30 nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng vốn đăng ký 50.589 tỷ đồng và tại tỉnh Lâm Đồng có 146 dự án còn hiệu lực do các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, với tổng vốn đăng ký hơn 23.393 tỷ đồng, quy mô diện tích đất 15.232ha; trong đó có 86 dự án đã đưa vào hoạt động, 39 dự án đã đưa vào hoạt động một phần hoặc đang triển khai đầu tư xây dựng.
Lãnh đạo các địa phương cho rằng, chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực; góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình hợp tác, như kết quả chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh song phương; chương trình chưa có chiều sâu; chưa xác định lĩnh vực trọng tâm, đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.
Từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực trọng tâm, như du lịch, kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Trong đó, một số lĩnh vực hợp tác song phương ưu tiên giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ được triển khai theo lĩnh vực thế mạnh từng tỉnh, như nông nghiệp công nghệ cao, cây dược liệu, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch, liên kết tiêu thụ nông sản…
Tại hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tiến hành ký kết 29 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư.