Ðể thu hút đầu tư vào tây nguyên

NDO - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về chính trị, quốc phòng-an ninh của cả nước, đồng thời có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư toàn diện của Ðảng, Nhà nước và sự nỗ lực, năng động của các tỉnh trong khu vực đã thu hút được nhiều nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của khu vực đạt 11,9%/năm. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn đó nhiều khó khăn, thách thức.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Tây Nguyên gồm năm tỉnh Ðác Lắc, Ðác Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Ðồng, có diện tích tự nhiên 54.418 km2 và dân số khoảng 5,2 triệu người. Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, có hai triệu ha đất ba-dan màu mỡ, chiếm 60% diện tích đất ba-dan của cả nước, rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày. Ðến nay, toàn vùng đã trồng được 495 nghìn ha cà-phê với sản lượng hằng năm đạt hơn 957 nghìn tấn; 144 nghìn ha cao-su với sản lượng 111 nghìn tấn mủ khô/năm; hơn 20 nghìn ha hồ tiêu, 21 nghìn ha điều với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm... Ngoài ra, Tây Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối giao thông đường bộ với khu vực miền trung, các tỉnh Ðông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, với các quốc gia trong khu vực "Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia" và tiểu vùng sông Mê Công mở rộng... Ðể khai thác những tiềm năng, lợi thế đó, nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cho vùng Tây Nguyên. Về phần mình, các tỉnh trong khu vực cũng đã khai thác, phát huy nhiều lợi thế riêng của từng tỉnh, tích cực, chủ động trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư và có nhiều nỗ lực trong việc cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút các nguồn vốn trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương... Nhờ đó, việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ giữa năm 2006 đến tháng 6-2011, các tỉnh trong khu vực thu hút 1.569 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đạt 262 nghìn 692 tỷ đồng, trong đó khoảng 25% số dự án và 22% số vốn đăng ký đã được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, toàn vùng Tây Nguyên cũng đã thu hút 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đạt 808 triệu USD, trong đó số vốn đã triển khai dự án là 260 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đăng ký.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cho biết: Việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên chuyển biến mạnh nhất là kể từ sau "Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên 2009" được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột. Trong đó, Lâm Ðồng là địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư nhiều nhất khu vực. Trong giai đoạn 2009-2011, UBND tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNÐT) cho 322 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới 56 nghìn 582 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được cấp GCNÐT còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 685 dự án, với tổng số vốn đăng ký 95 nghìn 925 tỷ đồng. Trong đó có 32 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn 1.534 tỷ đồng và 102 dự án đang triển khai với tổng số vốn đăng ký 6.999 tỷ đồng. Kế đến là tỉnh Ðác Lắc thu hút 147 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 13 nghìn 700 tỷ đồng. Là địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ðác Nông cũng thu hút 82 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký 6.550 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút được bảy dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 24,560 triệu USD... Các dự án đầu tư vào Tây Nguyên tập trung vào các lĩnh vực như chế biến nông-lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; trồng rừng; trồng cao-su; đầu tư vào lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế... Cùng với tăng cường huy động nguồn vốn, cơ cấu đầu tư cũng được điều chỉnh hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, góp phần tạo nên sự thay đổi lớn cho bộ mặt kinh tế-xã hội của các tỉnh trong khu vực, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo công ăn việc làm; xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc trong vùng và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, so với các vùng, khu vực trong cả nước thì kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh và cả khu vực trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, số lượng, quy mô các dự án còn nhỏ, công nghệ đơn giản, sử dụng ít lao động và chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Các dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dịch vụ, du lịch tạo ra giá trị gia tăng lớn còn rất ít. Tài nguyên, khoáng sản được khai thác bừa bãi, gây lãng phí lớn; nhất là tài nguyên rừng bị khai thác và chặt phá trái phép diễn ra khá trầm trọng...

Khó khăn cần tháo gỡ

Ðồng chí Trần Việt Hùng cho rằng: Những năm qua Ðảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng Tây Nguyên, nhưng các nguồn vốn đầu tư vẫn còn hạn chế. Vì vậy, khó khăn nhất hiện nay làm cản trở thu hút đầu tư vào Tây Nguyên là kết cấu hạ tầng còn thấp kém, nhất là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương trong khu vực hiện gặp không ít khó khăn về ngân sách, kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất "sạch" cho nhà đầu tư. Do thiếu quỹ đất "sạch", cho nên việc giải phóng mặt bằng các dự án thuộc diện các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhân dân thường kéo dài, một số dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất qua nhiều bước, làm nản lòng nhà đầu tư. Mặt khác, lộ trình, định hướng, cơ chế kêu gọi đầu tư giữa các tỉnh hiện còn mang tính tự phát, thiếu định hướng về quy hoạch phát triển chung...". Còn Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Ðầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) Lê Anh Tuấn cho biết: Tây Nguyên hiện có hai phương thức vận tải chính là đường bộ và hàng không. Trong đó, giao thông đường bộ là chủ yếu với chiều dài khoảng 14 nghìn 700 km, gồm 2.175 km quốc lộ, 12 nghìn 525 km tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn và 671 km đường Trường Sơn đông. Phần lớn  các tuyến quốc lộ trong khu vực đã được đầu tư xây dựng từ lâu, trong đó có nhiều tuyến được xây dựng sau ngày giải phóng, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng; nhất là tuyến quốc lộ 14 - tuyến giao thông huyết mạch của Tây Nguyên. Mặt khác, Tây Nguyên còn là đầu tàu trong mối liên kết phát triển khu vực "Tam giác phát triển" thuộc 13 tỉnh của ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, nhưng đến nay chỉ mới có hai tuyến đường nối với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) và Bờ Y (tỉnh Kon Tum) được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, còn phần lớn các tuyến đường nối với các cặp cửa khẩu khác chưa được xây dựng. Trong khi đó, theo kế hoạch vốn cho phát triển hệ thống giao thông ở Tây Nguyên từ nay đến năm 2015, toàn vùng còn thiếu đến 30 nghìn 476 tỷ đồng, trong đó đường bộ là 28 nghìn 131 tỷ đồng và đường hàng không là 2.345 tỷ đồng. Ðến nay, Bộ Giao thông vận tải chỉ có khả năng cân đối nguồn vốn khoảng 7.500 tỷ đồng, số còn lại chưa cân đối được nguồn. Chính hệ thống giao thông trong vùng còn thấp kém đã làm hạn chế sự giao lưu, thông thương hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng với các vùng khác cũng như các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển quan trọng...

Ngoài hệ thống đường giao thông thấp kém, các tỉnh Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn khác như công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực thiếu đồng bộ, mang tính ngắn hạn; nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng đô thị, quy hoạch dân cư còn chậm, chất lượng thấp, có nhiều sai sót phải bổ sung, điều chỉnh. Các tỉnh đều trích kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất "sạch" giao cho doanh nghiệp; còn các dự án giao cho các doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng với nhân dân thì hầu như không thực hiện được do nhân dân đòi mức bồi thường quá cao, doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu. Công tác cải cách hành chính, nâng cao trình độ tổ chức, xây dựng năng lực phục vụ của bộ máy chính quyền, cải thiện môi trường đầu tư... ở các tỉnh trong vùng chưa tốt, còn nhiều thủ tục hành chính không phù hợp; thậm chí hiện tượng cán bộ, công chức một số cơ quan chức năng tiêu cực, gây phiền hà đối với nhà đầu tư còn phổ biến. Chiến lược xúc tiến đầu tư của khu vực và từng tỉnh chưa rõ ràng; cơ chế thu hút đầu tư còn mang tính tự phát, thiếu định hướng về quy hoạch phát triển chung và liên kết vùng. Hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề phát triển chưa đồng bộ cho nên nguồn lao động được đào tạo còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Nông Lê Diễn thừa nhận: "Mặc dù các tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để thu hút các dự án đầu tư, nhưng hiện tại kết quả đạt được chưa như mong muốn. Không chỉ riêng vấn đề giao thông, nguồn nhân lực thấp kém, mà việc xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh của khu vực hiện cũng chưa làm tốt bằng các vùng khác. Chính việc xúc tiến đầu tư làm chưa tốt, mang tính manh mún, riêng lẻ ở từng địa phương đã hạn chế số lượng nhà đầu tư đến với các tỉnh Tây Nguyên". Còn Giám đốc Công ty TNHH Vinh Quang I (TP Hồ Chí Minh) Lưu Thị Nga cho biết: Công ty đã có 10 năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản ở Tây Nguyên. Qua quá trình đầu tư, chúng tôi nhận thấy mức độ thân thiện của các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong khu vực Tây Nguyên chưa cao. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư mất quá nhiều thời gian để đi lại, chờ đợi và tốn kém cả những khoản kinh phí không cần thiết". Vấn đề quan trọng khác là tình hình an ninh trật tự trong khu vực có những thời điểm phức tạp, làm nhiều nhà đầu tư "ngại" khi đầu tư vào đây. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng Tây Nguyên để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.