Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đều tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương…
Với những nỗ lực đó, từ giữa năm 2006 đến tháng 6-2011, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 1.569 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đạt 262.692 tỷ đồng; trong đó đã có khoảng 25% số dự án và 22% số vốn đăng ký đã được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng và lãnh đạo UBND năm tỉnh Tây Nguyên cũng như đại diện các bộ, ngành Trung ương dự hội nghị đều cho rằng, kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên trong những năm qua tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh và cả khu vực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: “Tính đến hết tháng 8-2011, toàn khu vực Tây Nguyên chỉ mới thu hút được 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 808 triệu USD, chỉ chiếm 20,52% về số dự án và 3,42% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên và chỉ bằng 1,15% về số dự án và 0,4% về tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước”.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên còn hạn chế là do hạ tầng kinh tế-xã hội của vùng, nhất là hạ tầng giao thông còn kém và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị trong khu vực có những thời điểm phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn cũng làm nhiều nhà đầu tư “ngại” đầu tư vào làm ăn ở Tây Nguyên…